Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 08 km về hướng Tây Bắc, Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ tọa lạc tại khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Đền thờ Vua Hùng được xây dựng nhằm thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, qua đó giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Đồng thời cũng là nơi phục vụ nhu cầu thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, làm phong phú thêm cho hoạt động nghiên cứu, học tập của các tầng lớp Nhân dân về lịch sử, văn hóa của dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân thành phố Cần Thơ nói riêng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là điểm nhấn văn hóa của thành phố Cần Thơ. Trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần và tình cảm của các thế hệ người Việt Nam. Chính vì vậy, xuất phát từ Đền Hùng tại vùng Đất Tổ tỉnh Phú Thọ, theo bước chân của cộng đồng dân tộc Việt, nơi thờ Vua Hùng đã lan tỏa và có mặt ở nhiều tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ. Sang thế kỷ XX, tín ngưỡng thờ Vua Hùng đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ở vùng đất phương Nam, trong đó có thành phố Cần Thơ.
Tại thành phố Cần Thơ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại trong tâm thức của Nhân dân từ rất lâu. Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, Lễ dâng hương hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ và một số ngôi đìnhnhư đình Bình Thủy (quận Bình Thủy), đình Thuận Hưng (quận Thốt Nốt)...Nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo Nhân dân thành phố Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung được thể hiện tấm lòng với Quốc Tổ, Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất chủ trương xây dựng vào năm 2016.
Đền thờ Vua Hùng được Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân vận động Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest tài trợ xây dựng. Công trình có diện tích 39.033,7 m2. Tổng thể công trình được thiết kế trên cơ sở ý tưởng cách điệu theo hình dáng bản đồ Việt Nam. Đền thờ Vua Hùng lấy Đền chính làm biểu tượng trung tâm nơi xuất phát cội nguồn dân tộc với hình trống đồng cách điệu. Sau đó, nối dẫn theo trục thần đạo ra cổng chính là nhà bia, nghi môn, nhà điều hành, nhà dịch vụ, cổng chính. Đối xứng dọc hai bên trục chính gồm một bên là cổng phụ ở đường Võ Văn Kiệt và một bên là hai hồ nước thể hiện sự khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 18 tháng 6 năm 2019 và được khánh thành vào ngày 06 tháng 4 năm 2022.
Đền chính là hạng mục trung tâm của Đền thờ Vua Hùng, có tổng diện tích 6.361,72 m2 (bao gồm hồ nước xung quanh), chiều cao 19,5m, công trình sử dụng các chất liệu gồm: tường ốp đá tự nhiên, ốp hoa văn, nền sử dụng gạch, đá; trang trí không gian thờ cúng và đồ thờ bằng gỗ và đồng. Sự kết hợp giữa đá và gỗ làm cho công trình trở nên hài hòa với thiên nhiên và quang cảnh xung quanh đền. Khối hình kiến trúc của Đền chính được chia ra làm ba phần: phần đế công trình, phần thân công trình và phần cánh công trình với 18 cánh cung tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng, tạo thành hình dáng cách điệu của chiếc trống đồng Đông Sơn. Các chi tiết hoa văn thời Vua Hùng được điêu khắc tỉ mỉ trên phần cánh và thân của công trình, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Công trình được bao bọc bởi hồ nước, với thiết kế hình tròn và phần đế vuông mang ý nghĩa “trời tròn đất vuông”, đồng thời có sự kết hợp văn hóa sông nước miền Tây. Bên trong hồ nước có 54 trụ với đường kính 1m, cao 3m, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam hướng về cội nguồn. Đền chính gồm hai tầng, tầng 2 là không gian thờ rộng rãi, thông thoáng theo phong cách Nam Bộ, đồ thờ tự được bài trí mang nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Trung tâm của gian thờ là bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương, hai bên là bàn thờ Tổ Phụ Lạc Long Quân và Tổ Mẫu Âu Cơ. Kế đến là hai bàn thờ Lạc Hầu và Lạc Tướng. Bên cạnh đó, gian thờ còn bài trí các linh khí được rước từ Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ gồm: 18 kilogram đất, 18 lít nước, chân nhang và các di vật do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cung tiến: phiên bản trống đồng Đền Hùng, bộ bát bửu, bộ lỗ bộ, chuông, trống.
Nhà bia mô phỏng theo lối kiến trúc đình truyền thống Nam Bộ, mái lợp ngói, cột gỗ, các đầu đao được trang trí hoa văn trên trống đồng. Nhà bia có diện tích 96,70 m2, chiều cao 9,74 m tính từ nền đến đỉnh mái. Bia được làm bằng đá hoa cương, khắc nội dung trọng tâm về lịch sử thời đại Hùng Vương và quá trình xây dựng công trình Đền thờ Vua Hùng.
Nghi môn được tạo dựng bởi các cột bê tông ốp đá vững chắc đỡ các mái, cao 9m. Hình thức mái mang dáng dấp nhà truyền thống của người Việt cổ thể hiện họa tiết hoa văn trên trống đồng. Dưới mái nghi môn gắn phiến đá hình chữ nhật, có hoa văn bao quanh, ở giữa khắc chìm dòng chữ: ĐỀN THỜ VUA HÙNG. Nghi môn quay về hướng Đông Nam.
Nhà điều hành và nhà dịch vụ: Hai khối nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà trệt, mái dốc của người Việt, tuy nhiên đường nét được đơn giản hơn và không trang trí mái, tạo cho khối nhà trở nên nhẹ nhàng và mang dáng dấp hiện đại hơn. Với diện tích xây dựng là 536,36 m2,công năng của nhà điều hành và nhà dịch vụ là khu vực đón tiếp khách, nơi làm việc của nhân viên và phát triển hệ thống dịch vụ bán quà lưu niệm, nước giải khát phục vụ khách tham quan
Cổng Đền thờ Vua Hùng Cổng chính hướng về phía Đông Nam, nằm ở trục chính của khu đất (trục thần đạo), từ cổng chính đi qua các hạng mục chính của công trình như nghi môn, nhà bia, Đền chính. Cổng phụ nằm bên đường Võ Văn Kiệt. Hai cổng có kiến trúc giống nhau, lấy ý tưởng thiết kế từ hoa văn nhà sàn kiểu mái hình thuyền có trên trống đồng Đông Sơn. Cổng cao 12,2 m, rộng 3,4 m, ngang 18,8 m, được ốp đá xanh sản xuất tại Thanh Hóa, có ba cửa, một cửa chính lớn và hai cửa nhỏ hai bên. Phía trên chính giữa cổng khắc nổi dòng chữ: ĐỀN THỜ VUA HÙNG.
Khuôn viên và sân lễ tại Đền thờ Vua Hùng bao bọc nhiều cây xanh được lãnh đạo Trung ương; lãnh đạo thành phố Cần Thơ qua các thời kỳ và các sở, ban, ngành của thành phố trồng lưu niệm; đồng thời các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đóng góp, cung tiến các loại cây trồng đặc trưng của địa phương nhằm thể hiện sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của lãnh đạo và Nhân dân các địa phương trong việc tạo nên môi trường xanh ở nơi thờ tự Quốc Tổ.
Đền thờ Vua Hùng là công trình văn hóa tín ngưỡng quy mô, trọng điểm của thành phố Cần Thơ, có ý nghĩa rất quan trọng: nơi thờ các Vua Hùng, tổ tiên của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là địa điểm tham quan, học tập, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, nơi đây là địa điểm tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, đáp ứng mong mỏi của người dân thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.