Thành phố Cần Thơ vốn được mệnh danh là vùng “gạo trắng nước trong”, nơi đây không chỉ giàu tiềm năng kinh tế mà còn đa dạng về văn hóa. Sự hiện diện của những loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là các công trình kiến trúc cổ như những minh chứng cho lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của thành phố. Trong đó, phải kể đến Hiệp Thiên Cung (thường gọi Quan Đế Miếu hay Chùa Ông Cái Răng). Đây là một công trình kiến trúc có giá trị, là nơi thờ Quan Thánh Đế Quân của người Hoa Triều Châu ở quận Cái Răng, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2017.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Hiệp Thiên Cung tọa lạc tại số 29 đường Hàm Nghi, phường Lê Bình, quận Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km về phía Đông Nam. Để đến với Hiệp Thiên Cung, du khách có thể đi bằng hai đường giao thông thủy, bộ đều thuận lợi: nếu đi đường thủy, từ Bến Ninh Kiều, xuôi dòng sông Cần Thơ đến gần cầu Cái Răng, rẽ trái vào rạch Cái Răng Bé, sau đó lên cầu tàu, đi vào trung tâm Chợ Lê Bình (Chợ Cái Răng cũ) là đến Di tích; hoặc theo đường bộ từ đại lộ Hòa Bình đi thẳng đường 30/4 ra Quốc lộ I, hướng về Sóc Trăng 6 km, qua cầu Cái Răng, rẽ trái khoảng 200 m sẽ đến Di tích.
Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1856, đến năm 1904 được tu bổ lại như ngày nay. Trong không gian phố thị Cái Răng, Hiệp Thiên Cung nổi bật bởi đường nét kiến trúc và phong cách trang trí đặc trưng truyền thống của người Hoa ở Nam bộ. Chùa có diện tích 567,8 m², mặt chính quay về hướng Đông Nam với kiến trúc hình chữ “Quốc” (國) gồm bốn dãy nhà khép kín vuông góc nhau. Sân trước của Hiệp Thiên Cung lót gạch tàu, giữa có cột cờ cao gần 10 m bằng gỗ và bàn thờ Ông Thiên.
Hệ thống mái Chùa lợp ngói ống chia làm 5 cụm. Riêng cụm mái ở tiền điện chia 2 cấp, phần mái chính ở giữa cao, hai bên thấp, hai đầu đao của cấp mái thứ nhất và thứ hai gắn tượng “Tứ Đại Thiên Vương” bằng gốm, tay cầm binh khí với ý nghĩa ngăn cản những điều không tốt xâm nhập vào Chùa. Các cụm mái còn lại chỉ một tầng, chia 2 mái. Bờ nóc trang trí tượng lưỡng long tranh châu, diềm mái hình lá đề bằng gốm men xanh, dưới diềm mái có phù điêu gỗ chạm nổi hoa lá, chim muông, sơn nhiều màu.
Vào Chùa bằng 3 cửa, cửa chính ở giữa, phía trước treo bức nghi môn bằng gốm được tạo hình Thuyền bát nhã, trên vòm cửa gắn bảng đại tự chữ Hán sơn nhũ vàng “Hiệp Thiên Cung”. Mặt ngoài của vách tường hai bên cửa chính có nhiều bức họa thể hiện cảnh sinh hoạt dân gian và những điển tích xưa. Bước qua cửa chính, vào Tiền điện sẽ thấy ngay nét đặc trưng của người Hoa về màu sắc, chủ yếu là màu đỏ được sử dụng để sơn vẽ, trang trí nhiều nơi trong Chùa, bởi người Hoa quan niệm màu đỏ là màu của sự may mắn, giàu sang và hạnh phúc. Tiền điện có 4 cột trụ bằng đá chịu lực, tạo thế vững chắc để nâng đỡ hệ thống vì kèo gồm các đà ngang gối mộng lên nhau và tầng mái phía trên. Tiếp giáp với Tiền điện là sân thiên tĩnh (còn gọi là giếng trời), đây cũng là đặc điểm riêng của Hiệp Thiên Cung và nhiều chùa Hoa khác.
Nối tiếp sân thiên tĩnh là Chính điện – trung tâm của Hiệp Thiên Cung. Chính điện được xây dựng theo phong cách kiến trúc Trung Hoa, gồm 3 gian. Toàn bộ công trình được nâng đỡ bởi 6 hàng cột: 02 cột đá để mộc, 10 cột gỗ dạng vuông, chân đế cột bằng đá xanh. Hệ đấu củng, các cây dầm, xà ngang, xà dọc đều nối với cột bằng các “mộng”, tạo thành một khối kiến trúc liên hoàn, vững chắc. Hệ thống vì kèo gồm các xà ngang và cây chổng cao, thấp bố trí theo kiểu “Tả hữu bình bình” kết hợp với các mảng chạm khắc gỗ để nâng đỡ những đòn tay dạng tròn và toàn bộ hệ thống mái phía trên. Nghệ thuật chạm khắc gỗ còn được thể hiện tinh xảo trên con đỡ hình hoa sen, con đội hình kỳ lân, dầm đầu thừa đầu rồng hoặc trên khánh thờ, phù điêu với các đề tài quy ước như: mai - lan - trúc - cúc, long - lân - quy - phụng, hoa dây, hình kỷ hà... Hiệp Thiên Cung còn là nơi lưu giữ nghệ thuật thư pháp của người Hoa với các kiểu chữ Hán được chạm khắc trên hoành phi, liễn đối, lư hương, chuông đồng... Tất cả đã tạo nên những giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật của một công trình tôn giáo tín ngưỡng. Hai bên Chính điện có hành lang khá rộng tạo thành lối đi và cũng là khoảng không gian nối tiếp với Đông lang và Tây lang được sử dụng làm nơi hội họp, tiếp khách và sinh hoạt của Ban Quản trị.
Trong Chính điện, bàn thờ Quan Công được bố trí ở gian giữa thật trang nghiêm, thành kính với khánh thờ bằng gỗ, sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo. Đây cũng là nét đặc trưng truyền thống của người Hoa bởi Quan Công được xem là “vạn cổ nhất nhân” (xưa nay chỉ có một). Ông tượng trưng cho đạo đức của người quân tử, đó là sự công minh, chính trực, dũng cảm, thủy chung, cao thượng, trọng chữ tín, danh dự, nhân nghĩa, luôn được đồng bào người Hoa sùng bái và kính trọng. Trong khánh có 3 tượng tròn, bằng gỗ: ở giữa là tượng Quan Công trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ trụ, mặt đỏ, râu 5 chòm, áo sơn nhũ vàng, tay trái nắm cân đai, tay phải đưa lên ngang ngực; bên phải là tượng Châu Xương, tay trái cầm thanh long đao; bên trái là tượng Quan Bình, nét mặt phúc hậu, hai tay cầm hộp đựng ấn.
Gian bên phải của Chính điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (vị thần bảo hộ những người đi biển, tín ngưỡng đó gắn liền với quá trình di cư đến Việt Nam bằng đường biển của người Hoa), gian bên trái thờ Phúc Đức Chính Thần (Thần Tài). Ngoài ra, Hiệp Thiên Cung còn thờ Thổ Thần và các vị tiền nhân có công xây dựng, gìn giữ, tôn tạo ngôi chùa.
Về sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, hàng năm tại Hiệp Thiên Cung diễn ra các kỳ cúng lễ: Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu (ngày 15 tháng Giêng), Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (ngày 23/3 âm lịch), Lễ vía Quan Thánh Đế (13/5 Âm lịch), Lễ Vu Lan (ngày 16 và 17/7 âm lịch) và Lễ Bửu Điện Trùng Quang (ngày 11/11 âm lịch). Trong đó Lễ vía Quan Thánh Đế còn gọi Lễ vía Ông (ngày 13/5 âm lịch) là lễ hội lớn nhất trong năm, thu hút đông đảo bà con và khách thập phương gần xa. Vào dịp này, có năm Ban Quản trị Hiệp Thiên Cung còn mời đoàn nghệ thuật Triều Châu từ thành phố Hồ Chí Minh về biểu diễn phục vụ bà con.
Trải qua hơn 160 năm, Hiệp Thiên Cung vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống, những tác phẩm nghệ thuật đặc trưng và các lễ hội theo nghi thức cổ truyền. Ngoài chức năng là cơ sở tín ngưỡng, Hiệp Thiên Cung còn được xem như một trung tâm bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Hoa ở Cần Thơ, đồng thời là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Nguyễn Thị Mỹ