Vào những năm đầu thế kỷ XIX, Đình Thường Thạnh được xây dựng dưới dạng ngôi miếu nhỏ để thờ cúng thần linh (nay là vị trí của Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, thuộc phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ). Năm 1823 các vị bô lão và dân làng trong vùng đã bàn bạc, quyết định dời ngôi miếu đến xây dựng tại vị trí Đình Thường Thạnh tọa lạc hiện nay. Năm 1839, ngôi miếu được lấy tên là Đình Thường Thạnh. Do Đình tọa lạc gần ngã ba sông, nơi có dòng nước xoáy (vận) nên người dân gọi là Đình Nước Vận. Đình Thường Thạnh hiện tọa lạc tại khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Đình Thường Thạnh được xây dựng với diện tích 6397,5m2, quay mặt về hướng Đông Bắc, không có tường rào bao quanh, bao gồm các hạng mục chính: Võ ca, Tiền điện và Chính điện. Ngoài ra, trong khuôn viên Đình còn có bia thờ họ Lâm (là dòng họ đã có công lao đối với ngôi đình, với làng xã thời xưa), miếu thờ Thần Hổ, miếu thờ Thần Nông, miếu Bà Chúa Xứ, phòng thuốc Nam từ thiện và nhà khói.
Chính điện và Võ ca Đình Thường Thạnh được bố trí đối xứng nhau trên một bình đồ hình chữ nhật. Võ ca được xây dựng theo phong cách kiến trúc Việt – Pháp. Võ ca vừa có chức năng là nhà khách, vừa là hội trường để cho bà con ngồi xem hát tuồng trong các dịp lễ hàng năm.
Chính điện được xây bằng các loại vật liệu bền vững, toàn bộ hệ thống cột được bố trí thành 4 hàng, mỗi hàng 6 cột, 4 cột trụ ở giữa cao và to hơn các cột còn lại. Tất cả được nối liên hoàn với nhau tạo thành một hệ thống kiến trúc hoàn chỉnh, chịu lực, vững chắc, nâng đỡ các vì kèo cánh ác (cánh dơi) và các tầng mái trên.
Nội thất được bài trí rất tôn nghiêm: gian giữa, phía trước có bàn thờ Tổ quốc và bài vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, kế tiếp là bàn thờ Sắc Thần; Trong cùng là bàn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852 với khánh thờ chạm khắc chủ đề hoa – điểu, lưỡng long chầu nguyệt. Tất cả đều sơn son thếp vàng thật đẹp và trang trọng, thể hiện rõ sự tôn kính của hậu thế đối với vị thần được thờ. Bên phải bàn thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng có bàn thờ Tả Ban, bên trái là bàn thờ Hữu Ban. Phía tường bên phải là bàn thờ Tiền Hiền và bàn Thờ các vị bô lão có công gìn giữ và tu bổ ngôi đình, bên trái là bàn thờ Hậu Hiền và bàn thờ Tổ Nhạc.
Lễ cúng chính trong năm của Đình Thường Thạnh là lễ Hạ điền, Thượng điền:
- Lễ Hạ điền: được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/5 Âl hàng năm, nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, nông dân làm mùa thuận lợi.
- Lễ Thượng điền: diễn ra trong 2 ngày: 15 và 16/11 Âl hàng năm, mục đích của lễ Thượng điền là tạ ơn thần linh phù hộ cho nông dân trong suốt một năm qua.
Trong các kỳ cúng Hạ điền, Thượng điền tại Đình Thường Thạnh đều có thực hiện nghi thức tế lễ tại miếu Bà Chúa Xứ. Miếu Bà từ lâu đã trở thành nơi diễn xướng của các nghệ nhân bóng rỗi trong những ngày diễn ra lễ hội hàng năm.
Tất cả những đặc điểm riêng về kiến trúc, nghệ thuật kết hợp với sinh hoạt lễ hội truyền thống đã chứng minh Đình Thường Thạnh là một công trình văn hóa, tín ngưỡng rất có giá trị cần được giữ gìn, bảo lưu để làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc tại thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng đất Nam bộ nói chung. Ngày 31/3/2008, Đình Thường Thạnh đã được UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 745/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.
Vương Kim Huê