Vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, bên cạnh việc mở rộng đất đai, tổ chức các đơn vị hành chánh, xây cầu, dựng chợ … việc lập đình là một nhu cầu thiết yếu của người Việt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đình là nơi thờ phụng những vị thần được vua phong sắc, những người có công với đất nước trong việc chống ngoại xâm và mở mang bờ cõi. Ngoài ra, đây còn là công sở hành chánh của làng, nơi cư trú của khách lỡ đường, nơi hội họp của dân làng vào những dịp lễ hội truyền thống. Có thể nói, đình là “cái hồn” của người Việt, là cơ sở tín ngưỡng chính thống, mang tính chất đa chức năng, là nơi bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương.
Theo lời kể của các vị cao niên ở địa phương, Đình Vĩnh Trinh được hình thành từ những năm đầu thế kỷ XIX với kiến trúc đơn giản ở Ngã Tắc (nay thuộc phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt) để thờ cúng thần linh. Đến năm 1852, được vua Tự Đức phong sắc “Bổn Cảnh Thành Hoàng”. Từ khi có sắc phong, dân làng làm ăn ngày càng phát đạt, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên hạnh phúc. Vào đầu thế kỷ XX, các vị bô lão, Hương chức, Hội tề họp bàn bạc và quyết định dời Đình về xây dựng trên diện tích đất do ông Nguyễn Thiện Tích, Hương Cả của làng bấy giờ hiến tặng (là vị trí Đình tọa lạc hiện nay, thuộc ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ), cách ngôi đình cũ khoảng 01 km. Nơi đây vừa có cảnh quan đẹp vừa thuận tiện cho bà con đến chiêm bái và tổ chức lễ hội.
Đình Vĩnh Trinh được xây dựng trong khuôn viên rộng 1.557.08m2 quay mặt về hướng Nam, kiến trúc theo hình chữ Nhất (一), bố cục gồm các hạng mục xây liền kề nối tiếp với nhau là Võ ca, Nhà cầu, Chính điện, Hậu điện và Nhà khói, tạo thành quần thể kiến trúc đẹp, nổi bật so với các công trình xung quanh.
Trải qua thời gian tồn tại, đến nay Đình Vĩnh Trinh vẫn bảo lưu được những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Nổi bật trong kiến trúc của Đình Vĩnh Trinh là Chính điện. Đây là khu vực trung tâm có vai trò quan trọng trong toàn bộ không gian của ngôi Đình. Chính điện được xây dựng theo kiểu nhà ba gian hai chái truyền thống của người Việt ở Nam bộ. Mái của công trình được nâng đỡ bằng các hàng cột gỗ liên kết với nhau bởi hệ thống xuyên, trính và mở rộng ra bốn phía nhờ kèo, cột. Toàn bộ khung sườn gắn kết với nhau theo kỹ thuật ghép mộng, gài chốt khéo léo, không những tạo sự cân đối mà còn có tính năng chịu lực cao. Ngoài ra, mảng tường hai bên của Võ ca xây theo kiểu “thượng song hạ bản” phía trên là các thanh gỗ xếp ngang, dọc cách khoảng, tạo thành các ô hình vuông nhằm lấy ánh sáng thiên nhiên và không khí thông thoáng, cũng là một nét nổi bật trong kiến trúc của Đình. Bên cạnh vẻ đẹp về kiến trúc, Đình Vĩnh Trinh còn là nơi bảo lưu các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học như: bản sắc phong, các linh vị, hoành phi, chân đèn, bát bửu...
Cũng như hầu hết các ngôi đình ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đình Vĩnh Trinh thờ “Thành Hoàng Bổn Cảnh” và những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xã, mở mang cơ nghiệp cho làng xóm, những vị tổ sư dạy nghề cho dân làng… Hàng năm, tại Đình diễn ra 2 kỳ lễ hội truyền thống: Lễ Hạ điền (từ ngày 16/7-18/7 âm lịch) và Lễ Thượng điền (ngày 27/12 - 28/12 âm lịch), với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, dân cư ấm no hạnh phúc; đồng thời tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, những người có công với dân, với nước. Các nghi lễ chính trong mỗi kỳ lễ hội: Nghi thức thỉnh Sắc Thần, Lễ tế Thần Nông, Lễ Túc yết, Lễ Chánh tế... luôn được Ban Quản trị thực hiện theo truyền thống của Đình. Không khí lễ hội tại Đình càng rộn ràng, náo nhiệt hơn bởi chương trình biểu diễn của đoàn hát với những tuồng tích xưa có ý nghĩa trong cuộc sống; các trò chơi dân gian truyền thống đã dần được địa phương khôi phục thu hút đông đảo bà con dân làng và khách thập phương tham dự.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc và địa phương, ngày 11 tháng 4 năm 2018 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 902/QĐ-UBND xếp hạng Đình Vĩnh Trinh là Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Nguyễn Thị Mỹ