ĐỀN THỜ CHÂU VĂN LIÊM

Ngày đăng: 24/02/2023 - Chuyên mục: Thới Lai
Ảnh minh họa

“Về Cần Thơ nhớ về Thới Thạnh quê mình.
Thăm mái đình xưa thăm ngôi nhà nơi anh đã sống.
… Châu Văn Liêm người cộng sản kiên cường bất khuất.
Dù phải chết quyết không hề lùi bước.
Gương anh còn sáng soi đời đời.
Tên anh còn mãi trong tim người.”
Âm vang lời ca từ bài hát “Quê hương nhớ mãi tên anh” của Nhạc sĩ Bửu Mật như thôi thúc bước chân người nghe về với xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai - nơi tọa lạc của Đền thờ Châu Văn Liêm - công trình tưởng niệm một trong những Nhà cách mạng đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã không tiếc máu xương hy sinh anh dũng trên tuyến đầu của cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. 
Đồng chí Châu Văn Liêm, sinh ngày 29/6/1902 trong một gia đình Nho học tại làng Thới Thạnh, tổng Thới Bảo, Ô Môn, Cần Thơ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ).
Vốn là người thông minh, học giỏi, Châu Văn Liêm đã vượt qua các kỳ thi rất nghiêm ngặt, đạt bằng tốt nghiệp Tiểu học yếu lược tại kỳ thi ngày 07/01/1918 và Cao đẳng Tiểu học (Thành chung) tại kỳ thi ngày 03/07/1922. 
Năm 1924, sau khi tốt nghiệp sư phạm, Châu Văn Liêm được bổ nhiệm về dạy học ở trường Nữ tỉnh Long Xuyên. Thời gian này, Châu Văn Liêm lập gia đình với bà Phạm Thị Các là người cùng quê Thới Thạnh. Niên học 1926 - 1927, Châu Văn Liêm dạy học ở làng Long Điền, quận Chợ Thủ, tỉnh Long Xuyên. Trong thời gian dạy học, ông đã vận động thành lập “Hội giáo viên, học sinh yêu nước Long Xuyên” (1926), tổ chức “Việt Nam phục quốc Đảng” (7/9/1926); mở “Sa Đéc học đường” để vừa là nơi dạy học, vừa là nơi gặp gỡ của các nhà cách mạng lúc bấy giờ.
Năm 1927, đồng chí Châu Văn Liêm được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và giữ chức Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên (1928). Năm 1929, đồng chí Châu Văn Liêm được bầu vào Ban Thường vụ Kỳ bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tại Đại hội Tổng bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên (tháng 5/1929), ông được cử làm thành viên “Ban trù bị thành lập Đảng”. 
Tháng 9/1929, đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì hội nghị thành lập Đặc uỷ An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang; ngày 07/11/1929 tổ chức hội nghị thành lập Ban Lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng, sau đó chuyển thành Ban Chấp hành Trung ương lâm thời An Nam Cộng sản Đảng do ông làm Bí thư.
Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, đồng chí Châu Văn Liêm cùng với đồng chí Nguyễn Thiệu đại diện An Nam Cộng sản Đảng tham dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. 
Chào mừng sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930, dưới sự lãnh đạo của các cơ sở Đảng nhiều cuộc đấu tranh biểu dương lực lượng đã diễn ra liên tục. Tại Nam kỳ, nhân dân ở Cao Lãnh - Đồng Tháp, Chợ Mới - An Giang, Ô Môn - Cần Thơ… biểu tình đòi bãi bỏ bắt xâu, giảm thuế, cải thiện đời sống công nhân… Hòa cùng những cuộc đấu tranh biểu dương lực lượng chung của cả nước, ngày 4/6/1930, đồng chí Châu Văn Liêm lãnh đạo cuộc biểu tình của nhân dân quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) đấu tranh đòi bãi bỏ lệnh bắt xâu, giảm sưu, giảm thuế, không được khủng bố nông dân… Đồng chí Châu Văn Liêm trực tiếp giáp mặt tên Quận trưởng đưa yêu sách và cổ vũ đồng bào hô vang khẩu hiệu. 
Hoảng sợ trước làn sóng quần chúng càng lúc càng dâng cao, tên cảnh sát Đờ-rơi (Dreuil) thuộc Sở Cảnh sát Sài Gòn ra lệnh nổ súng vào đoàn biểu tình, đồng thời chính hắn đã bắn đồng chí Châu Văn Liêm. Đồng chí Châu Văn Liêm đã anh dũng hy sinh vào lúc 21 giờ 5 phút ngày 04/6/1930, với lời hô tiến quân trong khí thế đấu tranh sôi sục như còn vang vọng “Đừng sợ! Đi tới!”, “Đừng sợ chết! Chục này còn chục khác! Trăm này còn trăm khác!”. Cuộc biểu tình ở Đức Hòa đã bị bọn địch đàn áp đẫm máu. 
Đồng chí Châu Văn Liêm là học sinh hiếu học và học giỏi, là người thầy mẫu mực, một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà cách mạng tiền bối đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho nước nhà, là gương sáng cho thế hệ chúng ta noi theo:
Châu Văn Liêm, người học sinh chăm chỉ.
Châu Văn Liêm, người thầy giáo yêu thương.
Châu Văn Liêm, người cộng sản kiên cường.
Châu Văn Liêm, người con ưu tú của quê hương…
(Ca khúc Tưởng nhớ Châu Văn Liêm – Nhạc sĩ Hồ Hoàng)
Nhằm tôn vinh và tri ân tấm gương của đồng chí Châu Văn Liêm đối với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng cho các thế hệ thanh niên, học sinh hôm nay và mai sau, thành phố Cần Thơ đã đầu tư xây dựng Đền thờ đồng chí Châu Văn Liêm tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai ngay trên quê hương đồng chí. 
Đền thờ đồng chí Châu Văn Liêm xây dựng (giai đoạn 1) trên diện tích 8.890m2, tổng mức đầu tư gần 27 tỷ đồng, gồm các hạng mục: trụ biểu, nhà bia, nhà thờ chính, cổng, hàng rào, cây xanh. Riêng nhà thờ chính được xây dựng trên diện tích 590m2, thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống, tạo điểm nhấn trong vẻ đẹp kiến trúc của công trình. Nơi đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ kết hợp tổ chức trưng bày gần 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về “Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm”. 
Nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm (29/6/1902 - 29/6/2017), Đền thờ được khánh thành và đưa vào hoạt động. Từ khi khánh thành đến nay, Đền thờ Châu Văn Liêm đã đón nhiều lượt khách đến tham quan, tưởng niệm ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm, thể hiện tinh thần đạo lý tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của các thế hệ học sinh đối với thầy giáo Châu Văn Liêm – người cộng sản kiên trung, một nhà giáo mẫu mực tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm đầu thế kỷ XX.
Nguyễn Thị Mỹ - Trần Thị Thu Thúy