DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG ÔNG ĐƯA NĂM 1960

Ngày đăng: 24/02/2023 - Chuyên mục: Thới Lai
Ảnh minh họa

Di tích lịch sử - văn hóa Địa điểm Chiến thắng Ông Đưa năm 1960 tọa lạc tại ấp Định Khánh A, xã Định Môn, huyện Ô Môn, nay thuộc huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Nơi đây ghi dấu chiến công của Đơn vị Tây Đô phối hợp với du kích xã Trường Thành lần đầu tiên đánh bại cuộc càn quét quy mô của địch vào ngày 06/6/1960. 
Về nguồn gốc địa danh Ông Đưa, những người dân lớn tuổi ở địa phương cho biết: Ngày xưa, dọc theo một con rạch  nhỏ trên đất Định Môn, có một người đàn ông Khmer tên Đưa, nổi tiếng cao lớn khỏe mạnh, là người lao động giỏi hay giúp đỡ mọi người nên được nhân dân quý mến, vì thế con rạch nơi ông ở được bà con trong vùng gọi là rạch Ông Đưa. Ngoài ra có ý kiến cho rằng, do trận đánh diễn ra trên một lung  cặp sát rạch Ông Đưa thường gọi Lung Đưa nên người dân nơi đây quen gọi là Trận địa Lung Đưa hay Chiến thắng Lung Đưa.
Trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, vùng Ô Môn – Cần Thơ là địa bàn chiến lược đối với ta và địch. Chính quyền Sài Gòn đã xây dựng hàng trăm đồn bót, sử dụng không quân, pháo binh ngày đêm đánh phá ác liệt nhằm hủy diệt sự sống nơi đây. Với ta, Trường Thành, Định Môn được chọn là điểm đứng chân của các lực lượng vũ trang. Do đó, ta đã xây dựng hầu hết các xã nơi đây trở thành một trong những vùng trọng điểm của phong trào cách mạng, là nơi tập kết lực lượng đánh vào sào huyệt của chính quyền Sài Gòn tại Cần Thơ.
Sau Hiệp định Genève năm 1954 đến năm 1959, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã dùng mọi âm mưu và hành động tàn bạo đối với nhân dân ta: mở chiến dịch tố cộng, diệt cộng, xây dựng khu trù mật, lê máy chém đi khắp miền Nam tìm diệt các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. 
Trước tình hình nhân dân bị đàn áp, sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, tháng 7/1959, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (viết tắt là Nghị quyết 15) ra đời, đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam. Nghị quyết khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân…” . 
Từ khi có Nghị quyết 15, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng kết hợp với vũ trang tự vệ, vũ trang tuyên truyền diễn ra sôi nổi, liên tục và rộng khắp. Ngày 10/12/1959, xuất phát từ yêu cầu của phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng, Tỉnh ủy Cần Thơ ra Nghị quyết thành lập Ban Quân sự tỉnh Cần Thơ, phân công đồng chí Đinh Công Dụng (thường gọi đồng chí Ba Bài), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Quân sự. Cùng ngày, đồng chí Đinh Công Dụng triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy thành lập Đơn vị Tây Đô. Đây là đơn vị vũ trang tập trung của tỉnh, vừa làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, vừa làm nhiệm vụ đánh địch, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.
Ngày 04/6/1960, Đơn vị Tây Đô được lệnh hành quân về đóng ở xã Trường Thành, huyện Ô Môn với mục đích dưỡng quân nhưng bị địch theo dõi phát hiện nên phải chuyển qua địa bàn rạch Ông Đưa thuộc xã Định Môn. Không ngờ địch vẫn tiếp tục bám sát và điều quân với số lượng lớn truy đánh quân ta. Nhận định tình hình, các đồng chí chỉ huy Đơn vị Tây Đô xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Công Dụng - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Quân sự tỉnh Cần Thơ và được đồng chí chỉ đạo: “Né là chính, né không được thì đánh, đánh là phải thắng…”. Nhận được Chỉ thị, các đồng chí gấp rút họp toàn quân và phân tích tình hình lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch với tỉ lệ ta: 1, địch: 10, quân ta thiếu vũ khí chiến đấu và đang ở vị thế hoàn toàn bị động, cô lập… Vì vậy, Đơn vị Tây Đô quyết tâm đánh trận này với lời tuyên thệ “Đánh là thắng!”.
Sáng ngày 05/6/1960, địch tập trung lực lượng gồm 03 tiểu đoàn bảo an do thiếu tá Thới chỉ huy, trang bị đầy đủ vũ khí: súng tiểu liên, súng trung liên, súng trường tự động và đạn dược hành quân vào Cầu Nhiếm. Đến khoảng 4 giờ ngày 06/6/1960, địch đến vùng Định Môn, Ba Mít, Trường Thành, tiếp theo bốn bề nổ súng, tốp đi đầu đụng một trinh sát của ta, ta hy sinh 1 đồng chí, mất 1 tiểu liên. Toàn bộ đơn vị báo động sẵn sàng chiến đấu. Ngay sau đó, đồng chí Dương Nhậm trực tiếp đưa đơn vị 1001 tới vàm  Ông Đưa phục kích. Quân ta dùng dao găm chặt nhiều cây chuối tạo chướng ngại vật (công sự giả) với mục đích nghi binh, dồn địch vào một vị trí để dễ dàng đánh địch. 
Sau khi đã bố trí sẵn sàng, đến 6 giờ sáng ngày 06/6/1960, địch vào đến rạch Ông Đưa, gặp chướng ngại vật của ta nên nhốn nháo, hoang mang cố thủ. Bất ngờ có tiếng hô lớn của quân ta: “Xung phong! Xung phong!”, đơn vị ta đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch hoảng loạn bỏ chạy về hướng đồn Ba Mít, ta tiếp tục truy kích.
Đến 13 giờ, địch nghe thấy Đơn vị Tây Đô thổi kèn, dùng loa phóng thanh, nên hoang mang ra lệnh cho tốp quân ở Xẻo Sào đánh sau lưng ta. Lúc này đạn và lựu đạn của ta cạn dần cho nên ta chờ địch đến thật gần mới đánh bằng lựu đạn, địch bắn xối xả rồi rút chạy không dám vào. Đồng chí Võ Thành Đô được phân công phải liên tục thổi kèn thúc quân, nhằm tạo thêm ý chí tiến công mạnh mẽ của quân ta, đồng thời làm cho tinh thần của quân địch càng thêm hoang mang. Ta làm chủ trận địa trong bán kính khoảng 500 m trên rạch Ông Đưa. 
Hai bên giằng co kéo dài từ sáng sớm đến 5 giờ chiều thì trận địa Ông Đưa im hẳn tiếng súng, quân ta chiến đấu rất dũng cảm, quân địch thì tháo chạy thoát thân. Sáng hôm sau, tức ngày 07/6/1960, địch triển khai lực lượng quay lại trận địa và buộc phải rút quân về vì không còn thấy bộ đội của ta nữa. Địch không hề hay biết rằng cán bộ và thương binh của ta vẫn ở đó nhưng được người dân che chở làm nhà vách đôi để bảo vệ nên không tài nào phát hiện được.
Kết quả, ta đánh bại 01 tiểu đoàn, làm thiệt hại nặng 02 tiểu đoàn, tiêu diệt 180 tên địch và thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Tinh thần dũng cảm xung trận của các chiến sĩ Tây Đô cùng du kích địa phương đã làm cho nhân dân hai bên bờ rạch Ông Đưa cảm phục và cùng nhau chung sức đánh địch. Trong buổi Tọa đàm với nhân chứng lịch sử trong trận đánh tại Lung Đưa, Định Môn năm 1960 , đồng chí Dương Nhậm, Chỉ huy trưởng Đơn vị 1001 kể lại: “…Chúng tôi thu được nhiều súng mới, mừng lắm. Một mặt, tranh thủ thu gom đạn rơi vãi, bởi mình thiếu đạn mà! Thấy vậy, dân địa phương cũng giúp mình luôn, có người còn lặn mò dưới sông nữa đó… xúc động lắm các đồng chí ơi!” 
Chiến thắng Ông Đưa là trận chống càn quyết liệt nhất và đạt thắng lợi tiêu biểu nhất của Đơn vị Tây Đô ở giai đoạn năm 1959 - 1960, là một trong những trận đánh mở đầu cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã đề ra. 
Chiến thắng Ông Đưa năm 1960 một lần nữa cho thấy đường lối lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng đối với cách mạng miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Chiến thắng đã đi vào lịch sử như một minh chứng về khí phách, tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ Đơn vị Tây Đô, của lực lượng du kích và nhân dân địa phương hai xã Trường Thành, Định Môn. Chiến thắng còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tình yêu thương quê hương đất nước, niềm tin tuyệt đối của nhân dân Cần Thơ vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 
Ngày 18/5/2011 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-UBND xếp hạng “Địa điểm Chiến thắng Ông Đưa năm 1960” là Di tích lịch sử - văn hóa.
Để ghi nhớ chiến công oanh liệt của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tiếp tục giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, thành phố Cần Thơ đã đầu tư xây dựng Khu Di tích Địa điểm Chiến thắng Ông Đưa năm 1960 tại xã Định Môn, đưa vào hoạt động phục vụ khách tham quan. Khu Di tích bao gồm các hạng mục: Bia lưu niệm và Sơ đồ trận đánh, Quảng trường, Nhà làm việc kết hợp trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật như: hình ảnh chân dung của các cán bộ, chiến sĩ và nhân chứng lịch sử tham gia trận đánh tại rạch Ông Đưa; các loại vũ khí quân ta sử dụng trong thời kỳ kháng chiến; chiếc kèn thúc quân của đồng chí Võ Thành Đô, mô hình nhà hai vách nuôi chứa cán bộ, thương binh… Mỗi tư liệu, hình ảnh, hiện vật là một câu chuyện kể sống động về tinh thần đấu tranh kiên cường và tình quân dân của người Cần Thơ trong thời kỳ kháng chiến.
Về các xã Trường Thành, Định Môn ngày nay, sau khi tham quan Di tích Địa điểm Chiến thắng Ông Đưa năm 1960 du khách còn có thể đến trải nghiệm tại các làng nghề thủ công truyền thống, chiêm ngưỡng những cánh đồng mẫu lớn chuyên trồng lúa, trồng sen, những vườn trái cây trĩu quả… Quê hương Thới Lai đang ngày một đổi thay và phát triển phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Đỗ Linh Chi