DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐIỂM CĂN CỨ HUYỆN ỦY Ô MÔN (1971 – 1975)

Ngày đăng: 24/02/2023 - Chuyên mục: Thới Lai
Ảnh minh họa

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 của quân ta đã tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Nhưng với bản chất chủ nghĩa thực dân,  chúng vẫn duy trì bộ máy chính quyền ở miền Nam, âm mưu tiến hành các kế hoạch “bình định”, nhằm đánh bật các cơ sở cách mạng. Tại Cần Thơ, để bảo vệ vùng IV chiến thuật và Sân bay Cần Thơ, chính quyền Sài Gòn nhanh chóng lấn chiếm vùng giải phóng, đóng thêm đồn bót ở các vị trí chiến lược. Xã Trường Thành, huyện Ô Môn, là một trong những địa bàn quan trọng nằm trong vành đai phía Tây của Cần Thơ, lúc bấy giờ ngoài hệ thống đồn bót, còn có tề ấp, tề xã, mật thám theo dõi chỉ điểm; các lực lượng chủ lực của chính quyền Sài Gòn cũng thường xuyên cơ động càn quét, đánh phá các cứ điểm cách mạng ở Trường Xuân, Trường Thành, Ông Tạc, Cầu Nhiếm… đối với những nơi rậm rạp thì phát quang dọn sạch địa hình, gom dân vào “ấp chiến lược”, quyết tâm xóa trắng các cứ điểm đóng quân của lực lượng cách mạng. 
Để đối phó với tình hình trên, Trung ương Cục ra Chỉ thị số 01-CT/71 về sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đánh bại kế hoạch bình định của chính quyền Sài Gòn. Sau khi nhận Chỉ thị, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Ô Môn nhanh chóng quán triệt; vượt qua khó khăn thử thách, kiên quyết bám dân, bám đất để xây dựng địa điểm cách mạng. Lúc bấy giờ, địa điểm Lò Mo, ấp Trường Tây, xã Trường Thành là vùng căn cứ lõm được các đồng chí lãnh đạo huyện Ô Môn chọn làm Căn cứ hoạt động. Căn cứ có đặc điểm nằm trong khu vườn rộng lớn, được phủ kín bởi nhiều cây và dây leo tự nhiên rậm rạp, cùng với nhiều sông rạch lớn, nhỏ chằng chịt, đặc biệt cách Căn cứ vài trăm mét là nhiều đồn bót của địch. Lợi dụng địa thế của Căn cứ và tình hình địch chủ quan, mất cảnh giác vùng kiểm soát ta bố trí bãi mìn, hầm chông, hệ thống công sự, hầm trú ẩn... xung quanh căn cứ, các đơn vị đóng quân, bí mật theo dõi hoạt động của địch để kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Các đồng chí hoạt động tại Căn cứ thực hiện khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không lớn và xuất hiện vào ban đêm”. Tuy có nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng được bà con nhân dân ủng hộ, tìm cách đưa thực phẩm, dược phẩm ... vào được Căn cứ, giúp các đồng chí cách mạng thêm vững vàng, kiên trì bám chặt địa bàn, vận dụng các phương thức chỉ đạo sáng tạo, linh hoạt, quán triệt các chủ trương, chỉ thị của Đảng, chuyển từ thế “bị động” sang “chủ động”. Qua đó, các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Ô Môn được củng cố, bổ sung phát triển và kết hợp cùng binh vận, tổ chức nhiều trận đánh làm hạn chế mức độ càn quét của địch. Tính chung từ năm 1969 đến 1972, các lực lượng vũ trang huyện Ô Môn đã có 64 lần tấn công vào đồn bót địch, diệt 30 đồn, trong đó nội ứng khởi nghĩa được 17 đồn, đánh thiệt hại nặng 20 đồn khác, diệt trên 1.000 tên địch, làm rã ngũ hàng ngàn tên, lực lượng phòng vệ dân sự của các ấp, xã còn lại trên địa bàn tự tan rã...  Như vậy, không những bảo vệ an toàn cho Căn cứ, mà còn mở rộng vùng giải phóng, tạo khí thế phấn khởi trong toàn lực lượng, nhất là bà con nhân dân ngày càng vững niềm tin với đảng. 
Năm 1973, tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Cần Thơ, chủ động giành thắng lợi trên chiến trường Cần Thơ, Ban Thường vụ Huyện ủy Ô Môn tổ chức cuộc họp mở rộng vào ngày 25 tháng 01 năm 1973, tại Căn cứ Lò Mo. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Sương, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Tây Đô 2; Võ Hoàng Xinh, Bí thư Huyện ủy Ô Môn; Bùi Đồng Khởi, Phó Bí thư Huyện ủy Ô Môn; Võ Hoàng Vĩnh, Trưởng Ban Tuyên huấn huyện Ô Môn; Nguyễn Văn Tự, Huyện đội trưởng huyện Ô Môn; Nguyễn Minh Huệ, Phó Chính trị viên Huyện đội Ô Môn. Đây là cuộc họp quan trọng, bàn kế hoạch chủ động tấn công địch càn quét, chiếm đất, giành dân, quyết tâm bẻ gãy chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” âm mưu phá hoại Hiệp định Paris năm 1973 của đế quốc Mỹ. 
Ngay sau khi Huyện ủy triển khai kế hoạch, ta tập trung củng cố lực lượng, bám trụ địa bàn, xây dựng trận địa phòng ngự để bảo vệ vùng giải phóng... Về phía địch, chúng tiếp tục đưa quân xuống chiến trường Ô Môn, đánh phá ác liệt vào Mương Khai, Cái Túc, Lò Mo, Ba Đá, Ông Đưa... Các đợt tấn công của địch đều bị lực lượng ta đẩy lùi và ta vẫn giữ được địa bàn vùng giải phóng, nhưng địch tập trung 5 tiểu đoàn đánh mạng tại đây buộc ta phải rút quân để đảm bảo an toàn lực lượng. Mặc dù các lực lượng chiến đấu ở địa bàn huyện Ô Môn giữ đất, giành dân trong vòng có 4 ngày, nhưng so với các nơi khác trong toàn tỉnh Cần Thơ đây là niềm tự hào của các chiến sĩ, đã giáng đòn trừng phạt đích đáng đối với địch, góp phần giành thắng lợi Hiệp định Paris năm 1973.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, Huyện ủy Ô Môn tiếp tục đứng chân tại Căn cứ Lò Mo chỉ đạo quân và dân huyện Ô Môn tổ chức đấu tranh giành nhiều thắng lợi, tạo điều kiện để lực lượng của tỉnh Cần Thơ, của Khu Tây Nam Bộ đứng chân đánh địch. Đến khoảng tháng 01 năm 1975, Sư đoàn 9 và Sư đoàn 21 của chính quyền Sài Gòn càn vào đốt phá, hủy hoại Căn cứ Lò Mo. Tuy nhiên, vào lúc bấy giờ ở Căn cứ do các cán bộ, chiến sĩ của ta đã bung ra các nơi chiến đấu nên không thiệt hại về người. Căn cứ Huyện ủy Ô Môn là địa điểm lịch sử tiêu biểu của thành phố Cần Thơ, nơi triển khai thực hiện chỉ đạo chiến lược của Đảng, góp phần đánh bại kế hoạch bình định của chính quyền Sài Gòn, giải phóng Cần Thơ năm 1975. Ngoài ra, đây còn là địa điểm căn cứ của lòng dân, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có những tấm lòng thủy chung, tin yêu và gắn bó với Đảng, với cách mạng suốt trong thời kỳ kháng chiến, thấm đượm nghĩa tình của đồng chí, đồng đội hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. 
Thực hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước, đồng thời để ghi dấu sự kiện lịch sử nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước, ngày 21 tháng 9 năm 2018 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND xếp hạng Địa điểm Căn cứ Huyện ủy Ô Môn (1971 – 1975), ấp Trường Tây, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ là Di tích lịch sử.
Nguyễn Thị Ngọc Hân