DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐÌNH THUẬN HƯNG

Ngày đăng: 24/02/2023 - Chuyên mục: Thốt Nốt
Ảnh minh họa

Những năm đầu thế kỷ XIX, Đình Thuận Hưng được xây dựng dưới dạng ngôi miếu nhỏ bằng cây lá đơn sơ có tên gọi “Tòa Miếu Võ” thuộc làng Tân Thuận Đông để thờ “Bổn cảnh sơn hà”; sau đó dân làng tu bổ dần dần trở thành ngôi đình. Năm 1848, vua Tự Đức phong sắc “Bổn Cảnh Thành Hoàng” cho làng Tân Thuận Đông. Từ khi có sắc phong, dân làng làm ăn ngày càng phát đạt, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên hạnh phúc. Năm 1935, làng Tân Hưng và làng Tân Thuận Đông sáp nhập thành làng Thuận Hưng, Đình Tân Hưng cũng được dời về sáp nhập với Đình Tân Thuận Đông lấy tên chung là Đình Thuận Hưng. Hiện nay, Đình Thuận Hưng tọa lạc tại phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.
Đình được xây dựng trên diện tích 1.050 m2, theo hình chữ Nhất (一), mặt quay về hướng Đông, cổng xây bằng bê tông cốt thép, trên trang trí biểu tượng lưỡng long, 2 bên có thêm 2 cổng phụ để ra vào được thuận lợi. Qua cổng là khoảng không gian rộng, giữa sân có miếu thờ Thần Nông, bên phải có miếu thờ Thần Hổ, bên trái là miếu thờ Thổ Thần.
Mái Đình lợp ngói, chia 2 tầng, riêng Chính điện có 3 tầng mái. Nóc Đình trang trí biểu tượng lưỡng long chầu thái cực, đầu mái cong lên phía trên tạo dáng mềm mại nhưng uy nghiêm, cổ kính. Khoảng cách giữa các tầng mái vẽ hoa văn dây lá, các điển tích và chữ Hán theo kiểu “nhất thi nhất họa”.
Tiếp giáp với sân đình là Võ ca, được xây dựng theo kiểu “tam gian tứ trụ” nên diện tích được mở ra 4 phía, vuông vức, có khoảng không gian rộng để bà con ngồi xem hát trong các dịp lễ hội.
Đình Thuận Hưng không bố trí khoảng cách riêng biệt giữa Võ ca và Chính điện, có lẽ ảnh hưởng phong cách kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” của cung đình Huế, thể hiện sự nối tiếp liền kề giữa các gian. Tuy được xây dựng liên hoàn với Võ ca, nhưng Chính điện là nơi thể hiện rõ nét nhất về phong cách kiến trúc cổ Việt Nam. Chính điện được xây dựng bằng các vật liệu: cột gỗ, tường ở 2 bên và phía sau xây bằng gạch thẻ. Riêng vách ngăn phía trước bằng gỗ, gắn liên hoàn vào cột theo chiều ngang, trên vách chạm nổi các khung vuông, chữ nhật, các đường viền đường rãnh tạo nên các ô hộc trang trí khá đẹp mắt. Đặc biệt, có 3 ô hộc ở giữa chạm trổ hoa lá, thể hiện sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân xưa.
Đình Thuận Hưng thờ “Bổn Cảnh Thành Hoàng”; những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xã, mở mang cơ nghiệp cho làng xóm ngày càng trù phú, phát đạt; những chiến sĩ hy sinh vì đất nước; những vị tổ sư dạy nghề cho dân làng… Hàng năm, Ban Tế tự và nhân dân phường Thuận Hưng đều long trọng tổ chức 02 kỳ lễ hội: Thượng điền và Hạ điền, cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư được ấm no, hạnh phúc. Mỗi khi cúng Đình, Ban Tế tự tổ chức lễ thỉnh sắc về Đình trang trọng theo phong tục truyền thống. Vào dịp này, tại Đình còn diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: hát tuồng cổ, đờn ca tài tử và các trò chơi dân gian thu hút sự tham gia của đông đảo bà con địa phương.
Qua trên 100 năm tồn tại gắn liền với những thăng trầm của lịch sử, đến nay Đình Thuận Hưng vẫn bảo lưu được những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, Đình Thuận Hưng còn có chức năng là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân qua các dịp lễ hội, tạo sự đan xen hài hòa giữa giá trị văn hóa tâm linh và kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình làng. 
Ngày 12/12/2006, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 2706/QĐ-UBND xếp hạng Đình Thuận Hưng là Di tích lịch sử - văn hóa.
Từ năm 2010, Đình Thuận Hưng còn là nơi tổ chức Lễ dâng hương hướng về ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Đây là hoạt động hàng năm của chính quyền và nhân dân quận Thốt Nốt nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước, qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ con cháu về lịch sử dựng nước và giữ nước, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người dân Việt Nam.

Đỗ Linh Chi