DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT ĐÌNH THỚI THUẬN

Ngày đăng: 24/02/2023 - Chuyên mục: Thốt Nốt
Ảnh minh họa

Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 45 km hướng về thành phố Long Xuyên, Đình Thới Thuận (khu vực Thới Thạnh 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) nằm nép mình bên bờ sông Hậu hơn một trăm năm qua và chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử hình thành vùng đất Thới Thuận. Ngôi đình mang dáng vẻ uy nghi, rêu phong cổ kính, hài hòa với không gian thơ mộng, khoáng đạt của dòng sông. Với những kiến trúc độc đáo cùng nét văn hóa, lịch sử đặc trưng của vùng đất Nam bộ.
Đình Thới Thuận được dân làng Thới Thuận khởi dựng vào thời Gia Long (khoảng năm 1802 – 1820), bằng vật liệu thô sơ là tre, lá tại vàm Rạch Chanh (thuộc khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận). Vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX, các Hương chức, Hội tề trong làng di dời đình về nằm cạnh vàm sông Bò Ót. Đình được xây dựng lại với quy mô lớn hơn đình cũ ở vị trí như hiện nay (khu vực Thới Thạnh 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) đình được xây cất bằng gỗ và nền lát gạch, lợp ngói âm dương, bao gồm ngôi đình chính, và dãy nhà phụ, ngoài ra còn trồng cây dầu, cây đa… tạo vẻ uy nghiêm cho ngôi đình. Đến năm 1963, Đình được tu sửa và xây tường xung quanh kiên cố. Ngôi đình rợp bóng mát bởi tán cây đa bao phủ, gợi lên cho khách hành hương hình ảnh “ Cây đa – Giếng nước – Sân đình” và hình ảnh này được xem là biểu tượng của làng quê Việt Nam, là nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng, nơi hẹn hò gặp gỡ xe duyên cho bao đôi lứa, đồng thời cũng là nhân chứng của lịch sử và ẩn chứa những quan niệm về vũ trụ của nhân dân ta.
Khuôn viên đình Thới Thuận có tổng diện tích 2.828 m2, trong đó diện tích xây dựng ngôi đình là 240 m2. Đình được xây dựng theo kiến trúc cổ truyền 3 gian, 2 chái. Gian võ ca, Tiền điện và chính điện được xây dựng nối liền nhau với hệ thống mái khá đặc sắc đều lợp ngói móc, tường gạch tô vôi, nền lát gạch tàu, gờ bó mái được gắn các thanh gỗ, mặt ngoài ốp kim loại mỏng, mặt trang trí hoa văn hình trái tim, dây, lá nhiều màu. Trên đỉnh nóc và đầu hồi Võ ca, Tiền điện và Chính điện được trang trí các tượng bằng gốm men nhiều màu với những đề tài: lưỡng long triều nhật, cá hóa long, trái châu, dây hoa lá đủ màu sắc; các đầu đao gắn tượng kỳ lân, Ông Nhật, Bà Nguyệt,… Cách trang trí các tượng gốm sứ trên mái Đình thể hiện sự hòa hợp của âm dương, sự linh thiêng, đủ đầy của các tầng lớp nhân dân. 
Gian chính điện được xem là phần chính của Đình Thới Thuận, nhiều công trình kiến trúc tập trung ở đây. Gian này có kiến trúc 3 gian, chái bát dần theo kiểu tứ trụ với vách tường góp phần nâng đỡ hệ thống mái ngói, các cây chổng có hình dáng như lục bình đặt trên những chân đế bằng gỗ hình chữ nhật được tiện khắc thành nhiều tầng. Đặc biệt, 2 dãy cột giữa từ Tiền điện đến Chính điện đều được trang trí rồng uốn lượn mềm mại quấn quanh thân, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên giá trị thẩm mỹ của ngôi đình.
Ngoài ngôi đình chính, về phía bên phải là dãy Nhà bào trù (nhà khói), trước nhà khói là Nhà Tiên sư. Qua cổng đình là bệ thờ xã tắc Thần nông và hai ngôi miếu là miếu Ông Hổ (Sơn quân) và miếu Ngũ Hành. Đình mang đặc trưng của một ngôi đình làng nông thôn Nam bộ với lối kiến trúc chữ nhất, mỗi gian là một kiểu kiến trúc nhà vuông, lót gạch tàu, tường gạch tô vôi, mái ngói. Đình thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ngài thay mặt Nhà vua bảo vệ dân làng cuộc sống an cư, lạc nghiệp, phù hộ cho mưa thuận gió hòa… Ngoài ra, đình còn phối thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư,….những người có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, gây dựng làng, xã và lập đình thời kỳ đầu khai phá. Bên cạnh, Đình còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng tôn kính, thể hiện tình cảm sâu đậm của người dân Thới Thuận đối với Bác Hồ kính yêu. Người đã đi vào lòng dân như một biểu tượng cao quý, thiêng liêng, trở thành một vị “phúc thần” được nhân dân kính trọng, tôn thờ. 
Hàng năm tại Đình Thới Thuận diễn ra lễ Kỳ yên Hạ điền trong ba ngày 16,17,18/4 (âm lịch) và lễ Thượng điền vào ngày 15 và 16/11 (âm lịch). Đây là lễ hội quan trọng được gìn giữ và duy trì, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống của người dân Thới Thuận. Qua lễ hội, người dân Thới Thuận bày tỏ sự biết ơn đối Thần Thành Hoàng Bổn cảnh, thần linh và các vị tiền nhân cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, một ứng xử nhân văn của người dân Thới Thuận nói riêng và Nam bộ nói chung.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại cùng những bước thăng trầm của lịch sử, đến nay đình vẫn bảo lưu được những giá trị về kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Ngoài các hoành phi, liễn đối có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước, công lao của các bậc tiền nhân, răn dạy con cháu những điều hay lẽ phải, còn có các mảng bao lam, thành vọng, khánh thờ trang trí bởi nghệ thuật chạm lộng với những ô hộc hình tròn, hình chữ nhật, dây hoa, lá; những bức bích họa được vẽ trên cột, trên tường. Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: nghi thờ, khánh thờ, hương án, liễn, bát bửu, hoành phi… cùng những hiện vật có giá trị trên, dưới 100 năm tuổi. Bên cạnh đó, đình còn lưu giữ sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng được vua Tự Đức phong tặng vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức năm thứ 5 (1852). 
Với những giá trị đó, ngày 19 tháng 11 năm 2018 Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 2995/QĐ-UBND xếp hạng ĐìnhThới Thuận là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Ngô Thị Yến Ly