DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐÌNH THẠNH HÒA

Ngày đăng: 24/02/2023 - Chuyên mục: Thốt Nốt
Ảnh minh họa

Di tích Đình Thạnh Hòa tọa lạc tại phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.
Theo các vị cao niên ở địa phương, khoảng giữa thế kỷ XIX, khi thôn Thạnh Hòa Trung được thành lập người dân xây dựng một ngôi đình để thờ cúng thần linh lấy tên là Đình Thạnh Hòa Trung Thôn. Vào năm 1902, các Hương chức, Hội tề họp bàn bạc và quyết định dời Đình về vàm chợ Thốt Nốt thuộc làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, bởi nơi đây gần ngã ba sông lớn, có cảnh quan đẹp, thuận tiện cho bà con đến chiêm bái và tổ chức hội hè, lấy tên là Đình Thạnh Hòa Trung Nhứt. Từ năm 2005, Đình đổi tên lại là Đình Thạnh Hòa.
Đình được xây dựng trên diện tích 1.424,3 m2, theo hình chữ Nhất (一), mặt quay về hướng Đông, bao gồm các hạng mục xây liền kề nối tiếp với nhau: Võ ca, Võ qui, Chính điện. Ngoài chính điện là kiến trúc trung tâm, trong sân đình còn có Nhà thờ Tiên sư và các ngôi miếu nhỏ. 
Trên đỉnh nóc và đầu hồi Võ ca, Võ qui, Chính điện và Nhà thờ Tiên sư được trang trí các tượng bằng gốm men xanh trắng với những đề tài: lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nhật, các tòa nhà, vô số tượng hình người, hình cá hóa long, trái châu, dây hoa lá đủ màu sắc; các đầu đao gắn tượng kỳ lân, ông Nhật, bà Nguyệt,… Cách trang trí các tượng gốm sứ trên mái thể hiện sự hòa hợp của âm dương, sự linh thiêng, đủ đầy. 
Bên trong Đình Thạnh Hòa được trang hoàng các bức trướng, lọng che thêu rồng, phụng; các bức hoành phi, liễn đối có nội dung ca ngợi cảnh đẹp của quê hương đất nước, công lao của các bậc tiền nhân, răn dạy con cháu những điều hay lẽ phải; các mảng thành vọng với những ô hộc hình vuông, hình chữ nhật, viền ngoài thành vọng là các mảng bao lam được chạm lộng sắc xảo, tinh tế… Các mảng đề tài trang trí ở đây rất phong phú đa dạng, tạo cho không gian nơi thờ tự của Đình vừa cổ kính vừa trang nghiêm. 
Tại Đình Thạnh Hòa, vị Thần chính được thờ là “Bổn Cảnh Thành Hoàng”. Bên cạnh đó, Đình còn thờ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, Bạch mã, Thái giám, Sơn Quân, Thánh Nữ Nương Nương, Ngũ Hành, Thần Nông, những người có công với quê hương, đất nước…
Hàng năm, Ban Quản trị và bà con địa phương long trọng tổ chức 2 kỳ lễ hội truyền thống: Lễ Thượng điền (diễn ra vào các ngày 19, 20 và 21/4 âm lịch) và Lễ Hạ điền (diễn ra vào ngày 19 và 20/11 âm lịch) mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư ấm no hạnh phúc, tưởng nhớ những bậc anh hùng, liệt sĩ, những người có công giúp dân, bảo vệ đất nước. 
Ngoài ra, Đình còn tổ chức nhiều kỳ cúng lễ, đặc biệt là Lễ Khai hạ hay còn gọi là Lễ Khai sơn trảm mộc vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Mục đích của lễ này là để tống đi những điều xui rủi ra khỏi làng cho dân chúng được yên ổn làm ăn. Vào mỗi kỳ lễ hội, Ban Quản trị Đình còn mời đoàn hát bội về Đình biểu diễn để cúng thần và phục vụ dân làng.
Trải qua thời gian, Đình Thạnh Hòa vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Các đề tài trang trí cùng với hệ thống hoành phi, liễn đối và nhiều di vật dùng trong thờ tự rất phong phú, đa dạng, tạo cho không gian nơi thờ tự của Đình mang nét cổ kính, trang nghiêm. Đặc biệt, Đình còn lưu giữ bản sắc thần được Vua Tự Đức phong cho thôn Thạnh Hòa Trung vào năm 1852 vẫn còn nguyên vẹn.
Ngày 22 tháng 01 năm 2016, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBND xếp hạng Đình Thạnh Hòa là Di tích lịch sử - văn hóa. 
Hiện nay, Đình Thạnh Hòa còn là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường cho các em học sinh tại quận Thốt Nốt. Các em đến tham quan, học tập tìm hiểu về Di tích lịch sử - văn hóa Đình Thạnh Hòa nói riêng và di sản văn hóa của dân tộc nói chung, nâng cao kiến thức về truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.

Đỗ Linh Chi