Đồng bằng sông Cửu Long được khai mở từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, lúc đó cả vùng đất rộng lớn này chỉ mới hình thành một số làng như Tân An ở rạch Cần Thơ, làng Thới An ở Ô Môn, làng Bình Thủy ở rạch Bình Thủy… làng mới luôn đòi hỏi phải có những cơ sở công ích như chợ, cầu, đường và các thiết chế văn hóa như đình, chùa, miếu, võ. Vì vậy, việc lập đình là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt, đình là nơi thờ phượng những vị thần được Vua phong sắc, những người có công với đất nước trong đấu tranh chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi. Ngoài ra, ngôi đình còn là công sở hành chánh của làng và đặc biệt là nơi hội họp của dân làng khi có lễ hội. Với chức năng là trung tâm sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng làng xã, hình tượng ngôi đình ăn sâu trong lòng người Việt Nam về tình đoàn kết xóm làng, tình yêu quê hương đất nước. Và cũng rất trữ tình, đằm thắm trong thơ ca:
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.
Ở Cần Thơ còn giữ được một số ngôi đình, trong đó có “Đình Bình Thủy”, nhân dân ta quen gọi “Long Tuyền Cổ Miếu”. Một ngôi đình ra đời cách nay trên 100 năm, mang sắc thái địa phương rất độc đáo. So với các ngôi đình làng trong khu vực, có thể nói đình Bình Thủy là một trong những ngôi đình được liệt vào hàng cổ kính, mỹ quan đặc sắc.
Vào năm Giáp Thìn (1844), bão lụt hoành hành dữ dội ở làng Long Tuyền, nhà cửa, ruộng vườn tan tác, nhân dân đói rách lầm than. Sau trận thiên tai, dân chúng trở về làm ăn ngày càng sung túc. Trong làng lập một ngôi đình bằng gỗ, lợp lá tại vàm rạch Bình Thủy, nguyện linh thần làm ăn yên ổn.
Tương truyền, năm 1852 dưới triều vua Tự Đức năm thứ năm, quan Khâm sai Đại thần Huỳnh Mẫn Đạt đang trên đường tuần du qua sông Hậu, bất ngờ gặp trận cuồng phong, ông cho thuyền nấp vào cù lao, ngã ba của một dòng kinh đổ ra sông Hậu (nay là cồn Linh tại vàm rạch Bình Thủy). Nơi đây sóng yên gió lặng, nhờ đó thuyền được bình an.
Nhân tiện quan Khâm sai Đại thần lên bờ tham quan cảnh vật, tìm hiểu dân tình. Thấy ở đây có dòng sông nước chảy êm đềm, cảnh vật tươi đẹp, hoa màu xanh tốt, dân chúng an cư lạc nghiệp, ông liền đặt tên cho nơi này là làng Bình Thủy.
Khi trở về, ông dâng sớ lên vua trình qua sự việc. Vua Tự Đức thuận tình phê sắc phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng” cho làng Bình Thủy vào ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (1852).
Khi được phong sắc thần, dân làng phấn khởi đóng góp công sức, của cải xây cất lại đình lần thứ hai, lợp ngói.
Năm 1904, quan Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận và Cai tổng Lê Văn Noãn thấy đình sắp sập, nên dời đình cất ở ngã tư Bé, trên sở đất của làng rộng 2,9ha. Chẳng may quan Tri phủ qua đời công việc xây dựng đình bị đình trệ. Năm 1909, ông Hương cả Nguyễn Doãn Cung và Hương chủ Dương Lập Cang xây dựng lại ngôi đình tại chỗ cũ ở vàm rạch Bình Thủy, do ông Huỳnh Trung Trinh thiết kế. Công cuộc xây dựng bắt đầu từ ngày 12 tháng 7 năm 1909 đến 1910 thì hoàn thành và tồn tại đến ngày nay.
Đình được xây dựng theo hình chữ Nhất (-), hướng Đông – Tây, tọa lạc trên bờ Nam sông Hậu thuộc địa bàn phường Bình Thủy, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 5km về phía Tây Bắc. Từ trung tâm thành phố du khách có thể đi theo quốc lộ 91 (Cần Thơ – An Giang), hoặc đi thuyền ngược dòng sông Hậu về hướng An Giang đều có thể đến di tích một cách thuận lợi.
Dưới dốc cầu Bình Thủy, một cổng tam quan to đẹp có hàng chữ “Long Tuyền Cổ Miếu” màu sắc thắm tươi. Lối dẫn vào đình qua hai cổng, giữa có bức phù điêu, mặt ngoài chạm nổi hình rồng, mặt trong chạm nổi kỳ lân. Khuôn viên đình khá rộng, cây cảnh xanh tốt.
Mái đình lợp ngói, dọc trên bờ nóc, tượng một đôi rồng uốn lượn tranh lấy quả châu. Quanh gác mái, tượng các vị thần tiên, kỳ lân, các vật linh, hoa lá muôn màu muôn vẻ rất sinh động, nổi bật trên nền trời xanh.
Nội thất của đình cao ráo, thoáng mát, có 6 hàng cột tròn to, chân hơi choãi ra giúp cho tổng thể kiến trúc càng thêm vững chắc. Các bộ vì kèo được kết cấu chặt chẽ phân chia mái thành năm phần liên tiếp theo lối “thượng lầu, hạ hiên” tương ứng với 5 gian điện thờ bên dưới và hai dãy hành lang nội bộ hai bên.
Trên các thanh xà ngang dưới mái đình, một loạt bao lam, hoành phi, liễn đối dàn trải từ tiền đến hậu đình. Các hoa văn chi chít, nét khắc tinh vi, sắc nhũ vàng lấp lánh nổi bật trên nền đen của gỗ hoặc đỏ thẫm của sơn son.
Tiền điện là gian thờ các vị anh hùng có công làm rạng rỡ quê hương đất nước như Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Trung Trực, Đinh Công Chánh, ngoài ra còn có bàn thờ ngũ vị Nương Nương và các bàn nghi. Bên phải tiền điện là nơi tiếp khách và hội họp của các chức sắc chức việc trong đình.
Chính điện là nơi thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng, ẩn hiện trong ánh sáng lung linh trên bàn thờ là bức chân dung của vị thần nhân đức, phong thái trầm tư như đang lo nghĩ về nhân tình, thế sự. Vị thần đứng sau là Đinh Công Chánh, người đã có công đóng góp công sức xây dựng cho địa phương nên được dân phong làm Hậu thần.
Đôi cột hai bên chánh điện được chạm trổ những cánh hoa mẫu đơn duyên dáng, mềm mại uốn quanh. Hai cột sau là đôi rồng to uốn lượn ôm lấy thân cột.
Dọc hai bên chính điện, phía trái là bàn thờ Hương Chức Tiên giác, bàn thờ Hậu Hiền. Bên phải đối diện là bàn thờ Chức Sắc Tiên Giác và bàn thờ Tiền hiền.
Gian hậu điện có bàn thờ Hậu thần ở giữa, hai bên là bàn thờ Hữu ban và Tả ban.
Các mảng đề tài trang trí trong ngoài ngôi đình rất đa dạng, phong phú bởi các đường nét, màu sắc tinh tế. các hình khối bố cục cân xứng, hài hòa giữa các mảng không gian kiến trúc. Tất cả tạo nên một khung cảnh sinh động nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm.
Thật khó mà diễn tả hết những công phu và tài nghệ tuyệt vời của các nghệ nhân xưa. Họ thật sự kế thừa vốn nghệ thuật độc đáo của tổ tiên, tạo cho ngôi đình Bình Thủy trở thành một trong những kho tàng của nền kiến trúc nghệ thuật dân tộc.
Hàng năm đình có hai kỳ lễ hội lớn, được tổ chức long trọng: lễ Thượng điền ở đình Bình Thủy được xem là lễ hội lớn nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu long, diễn ra trong ba ngày 12,13 và 14 tháng 04 âm lịch. Trong những ngày này, khách thập phương, dân làng lục ấp và bà con các dân tộc tấp nập về dự lễ cúng đình đông vui, rộn rã tiếng nói cười, cờ hoa nhiều màu sắc.
Trước kia, khi đường xá chưa được mở rộng thì việc đưa rước sắc thần diễn ra trên sông bằng thuyền rồng và bè thủy lục, nay đã được thay thế bằng long xa và các phương tiện giao thông hiện đại.
Ngày đầu tiên, từ 2 giờ sáng, một dòng người y phục chỉnh tề, theo long xa rước sắc thần di du ngoạn một vòng từ đình đến ngã tư Bé, rồi sau đó trở về đình an vị. Từ đó trở đi, khung cảnh khu đình luôn luôn tưng bừng, nhộn nhịp với các trò chơi dân gian, thi nữ công gia chánh… bên ngoài đình cờ hoa rực rỡ, trong đình đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút, người người tấp nập vào ra cúng lễ. Thanh niên nam nữ trang phục đủ màu sắc vui mùa trẩy hội cổ truyền.
Đêm đến, trong âm thanh rộn ràng của tiếng kèn, tiếng trống, mõ, chiêng nổi lên khi hành lễ. Ngoài sân đình những vở tuồng điển tích cổ được trình diễn suốt ba ngày đêm.
Lễ Hạ điền chỉ tổ chức trong một ngày, vào 14 tháng Chạp, nghi lễ diễn ra như ngày đầu tiên của lễ Thượng điền: Tế lễ, thay khăn sắc thần, cúng thần, hát tuồng v.v…
Ngày nay, quê hương đất nước thanh bình, đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi, lễ hội cổ truyền ở đình Bình Thủy càng được chú trọng gìn giữ như đã có tự bao đời trên mảnh đất này.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc còn được bảo lưu, ngày 05 tháng 9 năm 1989, Đình Bình Thủy được Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành Quyết định số 1570/VHQĐ công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.