Làng Bình Thủy – Long Tuyền xưa nổi tiếng là vùng đất trù phú, yên bình nên lúc đầu có tên gọi làng Bình Hưng, đến triều vua Tự Đức năm thứ năm mới đổi lại là thôn Bình Thủy. Tương truyền: Năm Nhâm Tý (1852) quan Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt ngồi thuyền đi tuần thú, vừa đến Cồn Linh thì gặp trận cuồng phong nổi dậy… Một viên hầu cận nhìn xem địa thế khẽ bẩm: Nơi khoảng xa kia có chỗ yên lặng cho thuyền đến đó núp gió rất an toàn. Cụ Tuần phủ truyền cho quân chèo thuyền đi ngay vào vàm rạch ấy, nhìn kỹ ngọn rạch yên lặng như mặt nước hồ thu… Cụ Tuần phủ bèn cho gọi dân quanh vùng đến gạn hỏi: Chỗ này cảnh vật lâu nay ra sao? Các vị bô lão bẩm: Ngọn rạch thường yên lặng, không hề có sóng to gió lớn… Cụ Tuần phủ khen thầm và nghiêm trang tuyên bố: Nay ta nhờ theo dòng nước đến đây mà được bình yên vô sự. Vậy ta đặt tên chỗ này là Bình Thủy, tên gọi Bình Thủy có xuất xứ từ giai thoại đó và tồn tại đến nay( ). Năm 1908 quan Tri phủ Nguyễn Đức Nhuận và cai tổng Lê Văn Noãn thấy địa thế vùng này có sông chảy uốn khúc như rồng nằm, miệng ngậm trái châu là Cồn Linh, nước sông bốn mùa lăn tăn gợn sóng như vảy rồng nên bàn với dân làng đổi tên là làng Long Tuyền.
Nằm ở phía Tây Nam vàm sông Cần Thơ, có nhiều con rạch lớn nhỏ, nước ngọt phù sa quanh năm tươi mát, vùng đất Bình Thủy – Long Tuyền đã lôi cuốn ngày càng nhiều cư dân đến đây sinh sống, lập nghiệp và để lại cho đời sau những dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc khá nổi tiếng, trong đó tiêu biểu nhất là Nhà thờ họ Dương.
Gia tộc họ Dương đến lập nghiệp ở Nam bộ khoảng cuối thế kỷ XVIII, tính đến nay đã trải qua 6 thế hệ: Thế hệ thứ nhất là ông Dương Văn Đạo và bà Nguyễn Thị Viên đến định cư khai phá ở vùng Nha Mân – Đồng Tháp, sang thế hệ thứ hai - ông Dương Văn Hưng chuyển đến sinh cơ lập nghiệp ở làng Long Tuyền, thế hệ thứ ba - ông Dương Văn Vị quyết định chọn vùng đất gần vàm rạch Bình Thủy làm nơi xây dựng cơ nghiệp, thế hệ thứ tư - ông Dương Chấn Kỷ (1880 – 1950) phát triển cơ nghiệp một cách mạnh mẽ, trở nên giàu có và nổi danh ở vùng đất này, thế hệ thứ năm - ông Dương Văn Ngôn (1906 – 1985), thế hệ thứ sáu - ông Dương Minh Hiển (1926 – nay).
Ngôi nhà được ông Dương Văn Vị xây dựng lần đầu tiên bằng gỗ, lợp ngói vào năm 1870 để thờ tổ tiên, sau thời gian sử dụng trên 30 năm ông đã cho thiết kế xây dựng lại. Năm 1904, sau khi ông mất con trai út là Dương Chấn Kỷ (tức Hội đồng Ba) – một điền chủ trí thức giàu có đã tiếp tục công việc này đến khoảng năm 1911 mới hoàn thiện. Công trình có hình khối kiến trúc độc đáo vừa mang nét cổ kính, trang nghiêm, vừa thể hiện tính phóng khoáng, trang nhã. Đây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn lại khá nguyên vẹn ở Bình Thủy – Cần Thơ nên người dân thường gọi là Nhà cổ Bình Thủy. Ngoài ra, vào những năm 1980 hậu duệ đời thứ năm là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, ông đã sưu tầm nhiều giống lan quý, tổ chức hội chơi lan, từ đó tên gọi “Vườn Lan Bình Thủy” ra đời và tồn tại đến nay.
Có một giai thoại về việc ký kết hợp đồng làm nhà giữa ông Dương Chấn Kỷ (Hội đồng Ba) với thầy Ba Nghĩa (người thiết kế, cải tạo lại ngôi nhà) như sau: Hồi đó ở xứ này có một ông thầy tên Ba Nghĩa – nhưng dân dã trong vùng quen gọi là ông thầy Lỗ Ban - cất nhà đẹp lắm. Điều đáng nói là ông ta hơi dị hình dị tướng. Ông cao chỉ độ một thước lẻ mấy phân, xương sống thì cong vòng khiến dáng dấp nhìn nghiêng cứ như… một dấu hỏi. Tư niên mãn mùa, ông ở trần vận độc một cái quần ngắn bằng lãnh đen, trên đầu chít một chiếc khăn điều đỏ chót. Hai món vật bất ly thân của ông thầy Lỗ Ban này là một cái nẻ mực và một chiếc rìu. Chỉ với hai bảo bối đó, ông đã đẽo không biết bao nhiêu cây cột lim tròn vành vạnh. Nhưng với gia tộc này cất nhà phải rất hực hỡ là chuyện đương nhiên phải vậy. Điều kiện kèm theo đó được ông Hội đồng Ba đưa ra lại khá ngặt – “Thầy cất nhà cho tôi đẹp hực hỡ hơn người thì khỏi nói nhưng cốt sao khi cất xong tôi phải giàu lên mới được”. Ông thầy Ba Nghĩa nghĩ ngợi rồi bảo - “Ngặt nỗi cái nghề này, miễn gia chủ giàu thì phần số tôi phải mạt”. Ông Hội đồng phẩy tay rồi nói nhẹ hều: “Ấy ậy, đừng lo. Tôi đảm bảo với thầy mỗi tháng tôi sẽ chu cấp cho thầy một đấu gạo với ba cắc bạc cho đến mãn đời”. Thực hư cái hợp đồng xây dựng kỳ dị đó thế nào thì không biết, có điều dân quanh vùng đồn thổi rằng khi lên đòn dong ông thầy Lỗ Ban có ếm bùa, bỏ ngãi Hội đồng Ba mới giàu đến vậy( )… Điều này cho thấy, bên cạnh tính cách quyết đoán và sự hào phóng của chủ nhân thì tín ngưỡng dân gian cũng được đề cập đến.
Nhà thờ họ Dương là một công trình nằm trong quần thể kiến trúc được phân bố khá đậm đặc cặp sông Bình Thủy – làng Long Tuyền xưa, tọa lạc trên diện tích khoảng 6.000m2 theo hướng Đông – Tây, nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn, không gian nội thất gồm có: Nhà trước (5 gian) dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ nghi trang trọng, được trang trí theo phong cách Châu Âu; Nhà giữa (5 gian), 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian bìa dùng để ở; Nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung. Ngăn cách nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người dân Việt ở Nam bộ.
Tuy kiến trúc ngôi nhà, phòng khách bài trí theo phong cách Châu Âu, nhưng nơi quan trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao tiếp văn hóa Đông - Tây một cách hài hòa, chọn lọc, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân: Tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách dân tộc, làm cho bộ mặt văn hóa ở vùng đất mới ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Chính sự tiếp thu, vận dụng một cách tài tình, hợp lý đã tạo cho công trình một phong cách riêng, thể hiện rõ nét lối kiến trúc giao thời giữa hai thế kỷ XIX – XX của tầng lớp cư dân giàu có ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cần Thơ nói riêng. Chính điều ấy đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm phim trường, trong đó có đạo diễn gạo cội Jeane Jacques Annaud và nữ diễn viên người Anh Jane March với bộ phim nổi tiếng “L’Amant” (Người tình). Khi từ giã đất Cần Thơ về Pháp, J.J.Annaud thú nhận: Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây. (“Je suis ebloui par la splandeur spectaculaire de cettesublime demeure. J’espère pouvoir; gráce au cinéma, laƒaire connaitre autour de la terre!”). Với giá trị đặc biệt đó, năm 2009 Nhà thờ họ Dương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Huỳnh Thị Tuyết Nhung