Từ trung tâm thành phố Cần Thơ theo đường Nguyễn Trãi tiếp nối đường Cách mạng tháng Tám 5 kí-lô-mét, rẽ phải vào đường Huỳnh Mẫn Đạt khoảng 200 mét sẽ đến Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Đây là nơi yên nghỉ của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa – một nhà thơ yêu nước, tác gia tiên phong của sân khấu tuồng Việt Nam, người được mệnh danh là “Rồng vàng của đất Đồng Nai”.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, hiệu Nghi Chi, sinh năm 1807 tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Định, châu Định Viễn, dinh Vĩnh Trấn (nay thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) trong một gia đình ngư dân nghèo. Từ nhỏ, nho sinh Bùi Hữu Nghĩa đã tỏ rõ bản tính thông minh, hiếu học nên được Xã trưởng Ngô Khắc Giản nhận đỡ đầu, giới thiệu lên Biên Hòa theo học với Thầy Đồ Hoành (Nguyễn Phạm Hàm). Ông ở trọ nhà cụ Nguyễn Văn Lý tại làng Mỹ Khánh (tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa – nay thuộc tỉnh Đồng Nai) để dùi mài kinh sử. Năm Ất Mùi (1835) Bùi Hữu Nghĩa đỗ đầu kỳ thi Hương ở Gia Định lúc mới 28 tuổi, vì thế thường được gọi là Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hay Thủ khoa Nghĩa. Ông được triều đình nhà Nguyễn bổ làm Tri huyện Phước Chánh. Ít lâu sau Thủ khoa kết duyên với bà Nguyễn Thị Tồn – con gái đầu của cụ Nguyễn Văn Lý.
Một thời gian sau, triều đình điều ông về làm Tri huyện tại phủ Trà Vang (tức Trà Vinh, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long – nay thuộc tỉnh Trà Vinh). Nơi đây có con rạch Láng Thé rất dồi dào về tôm cá, là nguồn lợi sinh sống của nhiều người nghèo – được vua Gia Long miễn thuế thủy lợi khi lên ngôi. Nhưng bọn quan đầu tỉnh vì tham của hối lộ nên đã giao rạch Láng Thé cho một nhóm người giàu có độc quyền khai thác. Do bị bức ép, những người dân địa phương đến gặp quan Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa yêu cầu xét xử. Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã bênh vực quyền lợi chính đáng của dân nghèo thông qua việc xử cho họ được kiện. Vui mừng thắng kiện, dân chúng kéo đến ngăn chặn không cho bọn nhà giàu đắp đập, xây rọ bắt cá, dẫn đến xung đột giữa hai bên làm một số người thiệt mạng. Vịnh vào sự việc này, bọn quan tham, cường hào liền vu cáo Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã xúi dân làm loạn, chủ mưu giết người. Ông bị triều đình kết tội chết. Vợ ông – bà Nguyễn Thị Tồn đã ra tận kinh đô Huế kêu oan cho chồng. Sau khi xem xét lại sự việc, vua Tự Đức đã tha tội chết cho Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa với điều kiện phải ra trận lập công chuộc tội. Ông bị đưa đi trấn nhậm đồn Vĩnh Thông – Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang) – nơi giáp biên giới Cao Miên (nước Cam-pu-chia ngày nay). Cảm kích trước hành động can trường, tấm gương tiết nghĩa của một người vợ thương chồng, thân mẫu của vua Tự Đức là Thái Hậu Từ Dũ đã tặng cho bà Nguyễn Thị Tồn tấm lụa đề bốn chữ vàng: “Liệt phụ khả gia” (Một người đàn bà oanh liệt đáng khen). Giải oan cho chồng xong khi về đến Biên Hòa bà lâm bệnh và qua đời tại đây. Được tin vợ mất, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã làm câu đối “Khóc vợ”, lời lẽ rất thống thiết, ông tự trách mình chưa trọn đạo làm chồng.
“Lúc tôi nghèo, mình riêng gánh vác, lúc tôi oan mình giỏi kêu ca, triều quận đều khen mình đáng vợ;
Khi mình đau, tôi chẳng đặng nuôi, khi mình chết, tôi không chôn cất, non sông đáng thẹn phận làm chồng.”
Hình ảnh người vợ tiết nghĩa, người con gái hiếu thảo trong thơ, văn của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cũng chính là hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam đảm đang, trung hậu, nghĩa tình trong xã hội còn mang nặng lễ giáo phong kiến. Điều này thể hiện tư tưởng tiến bộ của ông khi đề cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình mà không phải nho sĩ cùng thời nào cũng có được.
Vì có công dẹp loạn nên ít lâu Bùi Hữu Nghĩa được thăng chức Quản cơ. Thời gian trấn nhậm ở đồn Vĩnh Thông, với sự góp ý của người bạn văn chương tri kỷ là quan Tuần phủ Hà Tiên – Huỳnh Mẫn Đạt, ông đã hoàn thành tác phẩm tuồng nổi tiếng “Kim Thạch kỳ duyên” – diễn tả cuộc tình duyên đầy sóng gió giữa chàng Kim Ngọc và nàng Thạch Võ Hà – nhằm ca ngợi tình yêu chung thủy, khinh ghét kẻ tham vàng bỏ nghĩa. Đây là một trong những vở tuồng cổ nhất Việt Nam và là tác phẩm tuồng đầu tiên được dịch ra tiếng Pháp lưu diễn nhiều nơi. Cùng với các vở tuồng của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” của Bùi Hữu Nghĩa đã đánh dấu sự phát triển của thể loại tuồng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Trong thời gian làm quan, với đức tính thanh liêm, cương trực, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa luôn bênh vực quyền lợi của dân nghèo nên ông được nhân dân tin yêu, quý trọng. Do chán ghét cảnh tham quan ô lại, ông cáo quan về quê ở làng Long Tuyền – Cần Thơ mở trường dạy học, làm thơ, bốc thuốc chữa bệnh cứu người, lấy hiệu là “Liễu lâm chủ nhân”. Với các môn sinh của mình, ông không chỉ dạy văn chương, chữ nghĩa mà còn dạy đạo làm người.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Tuy không thể trực tiếp ra trận chiến đấu cùng với nghĩa quân chống kẻ thù chung, nhưng Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã cầm bút thay gươm, dùng những vần thơ sắc bén để kêu gọi, cổ vũ tinh thần kháng chiến Cần vương của nhân dân và lên án quân xâm lược:
“Ai khiến thằng Tây tới vậy cà?
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba!
… Nam kỳ chi thiếu người trung nghĩa
Báo quốc cần vương dễ một ta!”
(Ai xui Tây đến)
Bên cạnh đó, ông đã thể hiện sự phân biệt rạch ròi giữa chính nghĩa và phi nghĩa khi mượn hình ảnh cây bần, cây vông để châm biếm, phê phán bọn có địa vị nhưng thiếu đức tài trong xã hội:
“Cao lớn làm chi bần hỡi bần?
Uổng sanh trong thế đứng chần ngần.
Lá xanh tợ liễu nhành thưa thớt,
Bông bạc dường mai nhụy sượng sần.”
(Cây bần)
Và ông cũng rất tin tưởng vào tương lai của dân tộc:
“Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây
Đâu để giang san đến thế này!
… Hùm nương non rậm toan chờ thưở,
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày!
Một góc cảm thương dân nước lửa,
Đền Nam trụ cả há lung lay!”.
(Thời cuộc cảm tác)
Năm 1868, phong trào Văn Thân dấy lên nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Trà Vinh (Vĩnh Long), Hương Điểm (Ba Tri - Bến Tre)… Do thực dân Pháp nhiều lần tìm cách mua chuộc không được nên đã bắt giam Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ở Vĩnh Long, sau đó giải về Gia Định, giao cho Tổng đốc Đỗ Hữu Phương bảo lãnh để tiếp tục mua chuộc, nhưng ông vẫn trước sau như một: “Đầu tôi không sợ rơi, chỉ sợ phải đội trời chung với kẻ thiêu đốt giang san này”. Do không lung lạc được tinh thần và ý chí của nhà thơ yêu nước – Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa nên một thời gian giặc buộc phải thả cụ về.
Ngày 21 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1872), Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa lâm bệnh rồi qua đời tại quê nhà, thọ 65 tuổi. Khâm phục tài năng và phẩm giá của ông, nhân dân làng Bình Thủy đã đưa hình ảnh vào thờ trong Đình Bình Thủy, các học trò lập bài vị thờ ông tại Chùa Nam Nhã. Phần mộ của Thủ khoa xây dựng bằng đá ong luôn được các thế hệ người Cần Thơ chăm sóc và đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng tổ chức Lễ giỗ rất trang trọng để tưởng niệm một nhà thơ khí phách, một nhân cách lớn được người đời hâm mộ. Ngày 25-01-1994, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Quyết định số 152 VH/QĐ xếp hạng Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là một trong những danh nhân văn hóa của đất Cần Thơ được nhân dân tin yêu, trọng phục. Mặc dù đã hơn thế kỷ trôi qua nhưng tên tuổi của ông vẫn tỏa sáng về tinh thần đấu tranh chống xâm lược, chống áp bức, bất công; quan điểm tiến bộ của ông về quần chúng, về đoàn kết dân tộc, về vấn đề phụ nữ đã vượt xa khuôn khổ nho giáo phong kiến đương thời. Nghĩa khí và những cống hiến to lớn cho nền văn học nước nhà của ông là tấm gương sáng, là niềm tự hào không chỉ của người dân Cần Thơ mà là cả Nam bộ. Ngày nay, tên của ông đã được đặt cho nhiều ngôi trường, con đường, công trình văn hóa, giải thưởng Văn học Nghệ thuật… tại thành phố Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam.
Nhận thức được giá trị của Di tích trong đời sống văn hóa người dân thành phố Cần Thơ cũng như cả nước, đồng thời để tưởng nhớ, tri ân cuộc đời, sự nghiệp của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, đồng thời tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ tấm gương sáng về tài năng, đạo đức, nhân cách của một sĩ phu chân chính, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã quyết định mở rộng, tôn tạo Di tích lịch sử Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa thành Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa trên diện tích rộng 10.000 mét vuông, với kinh phí gần 60 tỷ đồng. Khu tưởng niệm được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam, bao gồm nhiều hạng mục: cổng chào, nhà bia, nhà thờ, khu mộ, nhà trưng bày... Ngoài ra, trong khuôn viên còn có hồ sen, sân cỏ và nhiều cây kiểng dân gian như gừa, liễu, mai chiếu thủy, bằng lăng... Tất cả tạo nên sự trang nghiêm nhưng không kém phần gần gũi, thân thiện cho Khu tưởng niệm vị Thủ khoa đất Bình Thủy – Long Tuyền. Công trình được khánh thành vào năm 2013 – nhân dịp kỷ niệm 141 năm ngày mất của ông. Hiện nay, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã trở thành địa chỉ tham quan, sinh hoạt truyền thống, giao lưu văn hóa thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách gần xa.
Nguyễn Thị Mỹ