Vùng đất Phong Điền được các bậc tiền nhân khai phá khá sớm và được mệnh danh là cái nôi của văn minh miệt vườn phía bờ Tây sông Hậu. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, với những tên tuổi đã đi vào sử sách, tiêu biểu là Cử nhân Phan Văn Trị, một nhà nho đã suốt đời lấy thơ ca làm vũ khí đấu tranh cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc.
Phan Văn Trị sinh năm 1830 tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình nho học, trọng đạo lý và giàu truyền thống yêu nước.
Từ nhỏ, ông đã biểu lộ tư chất thông minh, hiếu học. Mười chín tuổi đạt học vị Cử nhân, đó là điều kiện rất tốt để ông có thể thực hiện ước mơ về một ngày mai khi ra làm quan sẽ cống hiến hết sức mình cho dân cho nước. Nhưng chính sách bóc lột nhân dân quá nặng nề cùng chủ trương cấm đạo và bế quan tỏa cảng của triều đình đã đưa nước nhà đến chỗ suy nhược đã làm cho ông vô cùng thất vọng và không ra làm quan mà lui về vui với nghề dạy học và thơ phú. Tại Gia Định, ông đã tham gia sáng lập ra nhóm “Bạch Mai Thi Xã”. Đây là nơi hội tụ ngâm thơ vịnh cảnh của các nhà khoa bảng, tao nhân, mặc khách.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Lúc này, Phan Văn Trị dời về làng Bình Cách, Tân An (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), sau đó về Vĩnh Long mở trường dạy học, hốt thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Ở đây, ông cùng với các sĩ phu đề xướng phong trào “Tỵ địa” với mục đích là không ở vùng giặc chiếm, không cộng tác với thực dân Pháp, nhất là nhằm xây dựng, tập hợp lực lượng cổ vũ hỗ trợ cho các phong trào yêu nước, giành thế chủ động đánh Pháp gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn trong việc thiết lập nền thống trị ở nước ta.
Năm 1868, Phan Văn Trị về làng Nhơn Ái, Phong Điền thuộc tỉnh Cần Thơ trú ngụ, tiếp tục mở trường dạy học và sáng tác thơ văn chỉ trích bọn quan lại “mãi quốc cầu vinh”, đồng thời ca ngợi sĩ khí của các nghĩa quân, sĩ phu yêu nước. Tại đây, Phan Văn Trị kết hôn với bà Đinh Thị Thanh, người làng Nhơn Ái.
Sáng tác thơ ca của Phan Văn Trị hầu hết bằng ngôn ngữ dân tộc, mang tính chất bình dân và đại chúng rõ rệt. Điểm nổi bật trong thơ của Phan Văn Trị là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương dân, phân biệt bạn thù dứt khoát. Tiêu biểu là cuộc bút chiến quyết liệt với Tôn Thọ Tường - một nhân vật điển hình cho bọn trí thức cơ hội làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp. Bằng những vần thơ đanh thép, Phan Văn Trị đã đánh thẳng vào Tôn Thọ Tường những đòn đích đáng:
“Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
Lòng ta sắt đá há lung lay”
(Họa bài 1)
Hay:
“Thân danh chẳng kể thiệt thằng hoang!”
(Họa bài 4)
Đây là cuộc bút chiến được xem là có một không hai trong lịch sử văn học cận đại. Cử nhân đã sử dụng thơ của mình như một vũ khí vô cùng sắc bén. Ông thực sự là một nhà thơ - chiến sĩ, xứng đáng là một trong những vị lãnh đạo tinh thần trên mặt trận đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Nam bộ vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất (ngày 22-6-1910 dương lịch), nhà thơ yêu nước - Cử nhân Phan Văn Trị đã yên nghỉ tại làng Nhơn Ái, Phong Điền trong một ngôi nhà lá đơn sơ như tấm lòng thanh bạch của cụ, để lại biết bao niềm thương tiếc trong nhân dân. Nơi an nghỉ của cử nhân Phan Văn Trị luôn được nhân dân địa phương tôn tạo, gìn giữ qua các thế hệ. Vào năm 1991, Mộ Nhà thơ Phan Văn Trị đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay Di tích tọa lạc tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Năm 2005, nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài thành phố, UBND huyện Phong Điền tiếp tục đầu tư kinh phí để trùng tu di tích với quy mô lớn hơn, trên diện tích rộng 2.060 m2 , bao gồm các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, phần mộ, cuốn sách và các bia đá (trên có ghi lại những câu thơ nổi tiếng của cử nhân Phan Văn Trị), ao sen, cây kiểng, nhà chờ….
Hiện nay, Di tích lịch sử Mộ Nhà thơ Phan Văn Trị đã trở thành điểm tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống, giao lưu văn hóa. Đặc biệt, vào ngày 22/6 dương lịch hàng năm - nhân dịp ngày mất của Cử nhân Phan Văn Trị, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng tổ chức Lễ giỗ rất trang trọng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: chương trình nghệ thuật, thi vẽ tranh “Nét cọ tuổi thơ”, triển lãm sách, trình diễn nghệ thuật thư pháp, trưng bày giới thiệu sản phẩm quà lưu niệm… tạo thành ngày hội hàng năm của Di tích nói riêng của thành phố Cần Thơ nói chung.
Trần Thị Thu Thúy