DI TÍCH LỊCH SỬ GIÀN GỪA

Ngày đăng: 23/02/2023 - Chuyên mục: Phong Điền
Ảnh minh họa

Di tích tọa lạc tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Trước đây, khu này có diện tích khoảng 10.000m2, xung quanh ít nhà dân, nhiều cỏ cây, lau sậy. Nơi đây có một ngôi miếu bằng tre lá do nhân dân xây dựng để thờ Bà Thượng Động Cố Hỉ dưới tán cây gừa và lấy ngày 28 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày Vía Bà. 
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, do nhận thấy khu giàn gừa với vị trí giáp nhiều kênh rạch chằng chịt, chưa lần nào địch càn quét bắn phá, Chi bộ xã Nhơn Nghĩa đã chọn nơi đây làm địa điểm hội họp, triển khai kế hoạch, Nghị quyết, Chỉ thị của Khu ủy khu Tây Nam Bộ. Đặc biệt, khu giàn gừa đã được lực lượng biệt động thị xã Cần Thơ chọn làm địa điểm mở lớp đào tạo, huấn luyện đội “biệt động mật” để cung cấp cho các cơ sở nội thành hoạt động, do đồng chí Nguyễn Việt Dũng - Thị đội trưởng Thị xã Cần Thơ phụ trách. 
Việc huấn luyện đội “biệt động mật” đã góp phần cho các phong trào đấu tranh vũ trang tiến lên một bước mới. Phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lực lượng vũ trang tấn công vào nội ô, đánh thẳng vào cơ quan đầu não của địch. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Cần Thơ, giàn gừa là địa điểm cất giấu vũ khí và đạn dược để chuyển qua Lộ Vòng Cung phục vụ cách mạng. 
Ngày 05 tháng 04 năm 2013 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1225/QĐ-UBND xếp hạng Di tích lịch sử Giàn Gừa. Nhằm tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng chống giặc ngoại xâm ở địa phương.
Di tích lịch sử Giàn Gừa gắn liền với lịch sử khẩn hoang và đấu tranh chống ngoại xâm của vùng đất Phong Điền, là khu sinh thái thiên nhiên tiêu biểu ở thành phố Cần Thơ. Hiện nay, Di tích lịch sử Giàn Gừa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là nghệ thuật đờn ca tài tử của nhân dân địa phương và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách gần xa.

Lê Thị Thanh Thùy