DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA ĐỊA ĐIỂM KHẢO CỔ HỌC NHƠN THÀNH

Ngày đăng: 23/02/2023 - Chuyên mục: Phong Điền
Ảnh minh họa

Di tích tọa lạc tại ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Văn hóa Óc Eo có niên đại từ thế kỷ I – VII, sự phát triển Văn hóa Óc Eo được các nhà nghiên cứu khảo cổ học ghi nhận là đỉnh cao của các nền văn hóa cổ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những biến động địa lý tự nhiên nên sau vài thế kỷ tồn tại nền Văn hóa Óc Eo đã suy tàn. Về sau, Văn hóa Óc Eo được nhiều người biết đến là qua cuộc khai quật đầu tiên của nhà khảo cổ học người Pháp: Louis Malleret tại gò Óc Eo (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào năm 1944. Cho đến nay, nhiều trung tâm của Văn hóa Óc Eo đã được phát hiện, nghiên cứu như: Di tích Nền Chùa, Di tích Cạnh Đền (Kiên Giang); Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp); Di tích Địa điểm khảo cổ Nhơn Thành (Cần Thơ)… 
Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành, là một trong những trung tâm dân cư mang nét đặc trưng của Văn hóa Óc Eo vùng đồng bằng Tây Nam bộ có niên đại từ thế kỷ I – VI. Qua các tư liệu khảo cổ học thu thập được các nhà nghiên cứu phát hiện nơi đây nhiều loại hình có giá trị khoa học, tiêu biểu như: loại hình cư trú và kiến trúc nhà ở; xưởng chế tác thủ công, trong đó chế tác sản phẩm chủ lực là đồ trang sức bằng kim loại. Đặc biệt, việc phát hiện chiếc cầu thang gỗ và thuyền độc mộc có kích thước lớn tại Di tích cho thấy, nơi đây có khả năng tồn tại cầu cảng hay bến thuyền, đóng vai trò trung tâm vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thương mại của cộng đồng cư dân Óc Eo Nhơn Thành.
Ngoài ra, nơi đây được xem là địa điểm khảo cổ học duy nhất thuộc Văn hóa Óc Eo phát hiện đầy đủ nhất về dấu tích vật chất liên quan đến hoạt động chế tác thủ công chưa thấy nơi khác có. Đặc biệt là việc phát hiện bộ sưu tập khuôn đúc Nhơn Thành, thế kỷ I - VII AD (sau Công nguyên); Tượng phật gỗ Nhơn Thành, thế kỷ IV - VI AD và Bình gốm (Kendi), thế kỷ V AD, là 03 nhóm hiện vật Văn hóa Óc Eo tại thành phố Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Các hiện vật không những có giá trị tiêu biểu, quý hiếm – đại diện cho ngành thủ công nghiệp bản địa vốn rất phát triển trong thời kỳ Văn hóa Óc Eo, mà còn là một sản phẩm văn hóa vật chất, phản ánh diện mạo đời sống văn hóa, xã hội; sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, cũng như tư duy thẩm mỹ, phong cách nghệ thuật chế tác có sự kết hợp từ sự trao đổi, giao thoa văn hóa, tôn giáo ngoại nhập (Ấn Độ) với văn hóa bản địa của cư dân Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử phát triển rực rỡ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đất Nam Bộ nói chung. 
Trong không gian Văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ, Di tích Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành có vị trí quan trọng, là một mắc xích không thể thiếu trong việc nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam bộ vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Với những nét đặc trưng ghi nhận được tại Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành, ngoài việc góp thêm tư liệu làm cơ sở quan trọng cho quá trình nhận diện, hiểu biết, nhận thức mới về Văn hóa Óc Eo, còn góp phần nghiên cứu các vấn đề văn hóa - xã hội liên quan đến quá trình xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 20 tháng 10 năm 2014 UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3015/QĐ-UBND xếp hạng Địa điểm khảo cổ học Nhơn Thành là Di tích lịch sử - văn hóa.
Hiện nay, nơi đây chỉ còn lại dấu tích của các tầng văn hóa. Nghiên cứu Di tích khảo cổ học Nhơn Thành làm cơ sở góp phần tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là các thế hệ không những về ý thức trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. 

Ngọc Hân