Di tích lịch sử - văn hóa Chiến thắng Ông Hào tọa lạc tại ấp Trường Thọ I, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 25 km, về hướng Tây Nam. Đây là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn Tây Đô phối hợp cùng lực lượng dân quân du kích huyện Ô Môn tiêu diệt Tiểu đoàn Cọp Đen của địch tại kinh Ông Hào vào ngày 08 tháng 6 năm 1965.
Cần Thơ có vị trí chiến lược rất quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nam bộ, đặc biệt là cửa ngõ của căn cứ cách mạng ở vùng U Minh. Đối với đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Cần Thơ là trọng điểm của miền Tây, nơi đây, địch tập trung các cơ quan đầu não của vùng 4 chiến thuật để tiến hành mọi thủ đoạn chiến tranh quyết chiếm giữ Cần Thơ nhằm làm chỗ dựa cho các tỉnh miền Tây và là nơi chi viện, phòng thủ từ xa cho Sài Gòn; đồng thời làm bàn đạp tấn công vào căn cứ cách mạng của ta.
Năm 1965, diễn biến chiến tranh ở miền Nam ngày càng ác liệt, nhất là khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu vào miền Nam. Ngoài việc củng cố và xây dựng lực lượng ngụy quân, địch tăng cường đưa lính Mỹ và chư hầu tham chiến. Để bảo vệ vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ, địch tăng cường phòng thủ bằng lực lượng chủ lực, bảo an, cố vấn Mỹ, thám báo… càn quét vào các vùng xung yếu, cửa ngõ Tây Nam của Cần Thơ, với quyết tâm thực hiện kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.
Tại Cần Thơ, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, ta phải đương đầu với các kiểu chiến lược, chiến thuật, các phương tiện chiến tranh, vũ khí hiện đại… của đế quốc Mỹ. Dưới sự điều hành trực tiếp của Tướng Đặng Văn Quang, Tư lệnh vùng IV chiến thuật, địch củng cố và nâng cao khả năng tác chiến cho quân chủ lực và bảo an, đưa Sư đoàn 21 thuộc chính quyền Sài Gòn đứng chân trên địa bàn tỉnh Cần Thơ - đây chính là lực lượng chủ lực cho các cuộc hành quân càn quét, bắn phá, gây áp lực mạnh với các cơ sở cách mạng, nhằm đẩy lùi lực lượng ta ra khỏi tỉnh.
Đầu tháng 6 năm 1965, địch tập trung lực lượng gồm: các tiểu đoàn của Trung đoàn 31, 32, 33 (Sư đoàn 21); Tiểu đoàn biệt động 44, Tiểu đoàn thủy quân lục chiến, Tiểu đoàn bảo an 429, Tiểu đoàn Cọp Đen cùng nhiều máy bay, xe bọc thép… càn quét vào các xã Trường Xuân, Trường Thành, Trường Long, huyện Ô Môn, mục tiêu của chúng là phá vỡ các cơ sở cách mạng và tìm diệt bằng được Tiểu đoàn Tây Đô.
Nắm được ý đồ của địch, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Tây Đô: phòng ngự, ngăn chặn và bẻ gãy cuộc hành quân càn quét. Đồng chí Bùi Quang Đơ - Tiểu đoàn trưởng và Ban chỉ huy Tiểu đoàn đã tổ chức khảo sát thực địa khu vực kinh Ông Hào để lập kế hoạch và tác chiến đánh địch.
Đêm ngày 07 tháng 6 năm 1965, Tiểu đoàn Tây Đô hành quân về kinh Áng Khám và kinh Ông Hào xã Trường Long, huyện Ô Môn, cùng với Trung đội nữ địa phương quân huyện Ô Môn xây dựng trận địa phòng ngự, đề phòng địch càn quét.
Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng, ngày 8 tháng 6 năm 1965, khi Trung đội nữ địa phương quân huyện Ô Môn đang đào công sự, địch bất ngờ triển khai lực lượng đánh thẳng vào đội hình Trung đội nữ. Sau hơn 10 phút chiến đấu, chúng đã chiếm được 5 công sự của ta. Sau đó, Trung đội nữ đã bình tĩnh tổ chức lại đội hình, kiên cường đánh bật địch ra khỏi các công sự, tháo chạy ra đồng.
Được tin thất bại trong đợt tấn công đầu tiên, Trung tướng Đặng Văn Quang ra lệnh cho máy bay, pháo binh bắn yểm trợ và tiếp tục tấn công vào đội hình Trung đội nữ. Một trung đội của Đại đội 20, Tiểu đoàn Tây Đô đã kịp thời được điều động đến chi viện Trung đội nữ đánh địch, buộc chúng phải tháo chạy và chờ lực lượng đến chi viện. Địch tiếp tục điều động thêm Trung đoàn 31, Tiểu đoàn Bảo an 29, một tiểu đoàn của Trung đoàn 32 kết hợp với Tiểu đoàn 44 biệt động quân cấp tốc hành quân đến đánh vào Đại đội 20 và Trung đội nữ.
9 giờ 30 phút, các loại máy bay trinh sát L.19, trực thăng, phản lực B.57 liên tục quần thảo dội bom cùng với 12 khẩu pháo 105 ly từ Cái Tắc, Cái Răng bắn vào trận địa. Đại đội 20 vừa đánh trả vừa di chuyển trong các công sự để tránh hỏa lực của kẻ thù.
Đến 12 giờ trưa, địch tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 33, Sư đoàn 21 đổ bộ bằng đường không cách kinh Ông Hào 500 mét chia làm 2 mũi đánh thọc sườn và bộc hậu đội hình Đại đội 20 của ta. Kế hoạch này của địch bị thất bại bởi ta đã bố trí Đại đội Đặc công và Đại đội 31 Tiểu đoàn Tây Đô phục sẵn. Sau 10 phút giao tranh địch tháo chạy toán loạn không dám tiến vào.
Qua nhiều lần tấn công đều thất bại nặng nề, tướng Quang lập tức quyết định điều động Tiểu đoàn Cọp Đen - là tiểu đoàn có kinh nghiệm đánh càn, nổi tiếng ác ôn đến kết hợp với 2 tiểu đoàn vừa thua trận, đánh vào Đại đội 20. Nắm được ý đồ của địch, đồng chí Bùi Quang Đơ - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô bố trí lại đội hình quyết tiêu diệt Tiểu đoàn Cọp Đen.
Khi Tiểu đoàn Cọp Đen triển khai lực lượng tiến vào kinh Ông Hào, chúng không ngờ đã lọt vào trận địa phục kích của ta. Lúc địch chỉ còn cách ta khoảng 20 mét, toàn trận địa bất ngờ nổ súng. Cùng lúc đó, trên bầu trời trực thăng, phản lực của địch liên tiếp ném bom hỗ trợ Tiểu đoàn Cọp Đen. Chỉ với loạt đạn thứ 2 từ khẩu Garant, chiến sĩ Huỳnh Văn Tèo đã bắn rơi chiếc B.57, khống chế hoàn toàn khả năng ném bom tầm thấp của kẻ thù.
Để cứu nguy cho Tiểu đoàn Cọp Đen, tướng Quang ra lệnh cho 3 phi đội ném bom hủy diệt địa hình, hủy diệt cả Nhà thờ Ông Hào làm 121 người chết trong đó có 112 giáo dân (đa số là người già, phụ nữ và trẻ em). Hành động thảm sát của địch khiến cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân càng căm thù, quyết tâm chiến đấu tiêu diệt Tiểu đoàn Cọp Đen ác ôn khét tiếng, có nhiều nợ máu với nhân dân.
Sau nhiều lần thất bại, địch co cụm lại tổ chức phòng ngự qua đêm chờ sáng. Lợi dụng lúc này, đồng chí Bùi Quang Đơ triệu tập cuộc họp khẩn cấp, triển khai kế hoạch bao vây đánh thẳng vào Tiểu đoàn Cọp Đen.
19 giờ 30 phút, khi Đại đội 23 của Tiểu đoàn Tây Đô áp sát đội hình địch chờ phối hợp với các đơn vị khác thì bất ngờ bị địch phát hiện. Đồng chí Tiểu đội trưởng Thạch Phel hy sinh. Trước tình thế cấp bách không thể chờ phối hợp theo kế hoạch, đồng chí Lê Thanh Sơn, Chính trị viên Đại đội đã ra lệnh Đại đội 23 đánh thẳng vào đội hình phòng ngự của địch, chỉ trong vòng 10 phút, Đại đội 23 đã tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn Cọp Đen.
Kết quả trận đánh, ta tiêu diệt hơn 800 tên địch; xóa sổ Tiểu đoàn Cọp Đen; bắn rơi 01 máy bay B57 và thu nhiều quân trang, quân dụng. Về phía ta, hy sinh 37 đồng chí, bị thương 57 đồng chí.
Đây là trận tập kích lớn đầu tiên, khẳng định lực lượng vũ trang Cần Thơ trưởng thành vượt bậc, phá vỡ cuộc hành quân càn quét qui mô của địch tại vùng IV chiến thuật. Chiến thắng một lần nữa khẳng định quyết tâm của Tiểu đoàn Tây Đô “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân, xứng đáng là người con của quê hương Cần Thơ. Sau chiến công xuất sắc này, Tiểu đoàn Tây Đô đã được Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến Công Giải Phóng hạng Ba.
Với ý nghĩa lịch sử trên, Địa điểm Chiến thắng Ông Hào đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ ban hành Quyết định số 2569/1998/QĐ.Ct.VH ngày 25 tháng 9 năm 1998 xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.
Để ghi nhớ công lao to lớn của những chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, đồng thời giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau thêm tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông, năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã đầu tư xây dựng Khu Di tích Chiến thắng Ông Hào trên diện tích rộng 25.748m2 với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Công trình được khánh thành vào ngày 20 tháng 12 năm 2012, nhân kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khu Di tích bao gồm các hạng mục: cổng chào, quảng trường, tượng đài, phù điêu, nhà truyền thống, nhà khách, công viên cây xanh…
Hiện nay, Khu di tích không chỉ là nơi ghi dấu chiến công oai hùng của quân và dân Cần Thơ trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần, là địa điểm tham quan, về nguồn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách gần xa. Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng Ông Hào (08/6), huyện Phong Điền tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại Khu Di tích.
Lê Thị Kim Thúy