Chùa Nam Nhã do ông Nguyễn Giác Nguyên sáng lập vào năm 1895. Đến năm 1905, Chùa được tái thiết hoàn thiện và năm 1917 tu bổ quy mô bằng bê tông, kiến trúc theo phong cách Á – Âu. Đây là một trong những công trình có kiến trúc cổ kính, tiêu biểu đầu thế kỷ XX ở Cần Thơ.
Chùa hiện tọa lạc tại số 612, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Nằm trong không gian tĩnh lặng, khuôn viên rộng rãi thoáng mát, Chùa Nam Nhã có các hạng mục chính: chính điện, Đông lang và Tây lang; xung quanh bao bọc bởi công viên bờ kè, cổng, hàng rào và nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ gắn liền với lịch sử của ngôi chùa. Các hạng mục xây dựng cân đối, vững chãi, không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Chùa Nam Nhã theo hệ phái Minh Sư – thờ Tam giáo: Phật Thích Ca, Khổng Tử và Lão Tử, có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện tại Cần Thơ khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đây là nơi rèn luyện tu dưỡng tâm tính con người, với tôn chỉ lấy sản xuất tự lực, tự cường để tồn tại và phát triển; người tu hành theo ăn chay, không bắt buộc cạo tóc, trang phục tự do nhưng kín đáo và trang nghiêm.
Chùa Nam Nhã là trụ sở hoạt động của phong trào Đông Du ở Cần Thơ. Tại đây, vào tháng 02/1913, sau khi từ Pháp trở về nước, chí sĩ yêu nước Cường Để cùng với ông Nguyễn Giác Nguyên bàn quốc sự vận động phong trào yêu nước ở Nam Kỳ, bị thực dân Pháp theo dõi phát hiện nên cho đóng cửa Chùa. Tuy nhiên, nơi đây vẫn tiếp tục duy trì là cơ sở bí mật hoạt động cách mạng, năm 1929 khi Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang được thành lập ở Bình Thủy, Chùa Nam Nhã chính là cơ sở liên lạc giữa Đặc ủy Hậu Giang với Xứ ủy Nam kỳ của những nhà cách mạng, trong đó có đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư Chấp ủy Lâm thời Đảng bộ Nam kỳ.
Hàng năm, Chùa Nam Nhã có các kỳ lễ hội lớn như: Cúng rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, rằm tháng Mười và kỷ niệm ngày Phật Đản (Đản sanh). Các lễ hội thực hiện theo nghi thức truyền thống tôn giáo, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc.
Ngày 25/01/1991, Chùa Nam Nhã đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 154-QĐ xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chùa Nam Nhã là một trong những di tích thu hút nhiều du khách đến tham quan, không chỉ để chiêm bái thỉnh cầu an lành, mà còn được hưởng thụ không khí trong lành với thiên nhiên, cảnh quan nơi đây.
Ngoài ra, đây còn là địa điểm tham quan học tập nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của nhiều học sinh, sinh viên.
Nguyễn Thị Ngọc Hân