Đình Thới An tọa lạc tại khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những ngôi đình cổ kính và đẹp, còn lại không nhiều ở thành phố Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1832 Đình được xây dựng bằng tre lá để thờ thần linh. Đến năm 1852 làng Thới An được vua Tự Đức phê sắc phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng”. Từ khi có sắc phong, dân làng đã chung sức cùng nhau xây dựng lại ngôi đình mới bằng vật liệu kiên cố hơn. Khoảng đầu thế kỷ XX Đình Thới An được xây dựng lại lần nữa khang trang, bền vững. Trải qua hơn một trăm năm tồn tại, ngôi đình đã bị xuống cấp, năm 2015 thành phố Cần Thơ đã đầu tư 5,6 tỷ đồng để trùng tu hạng mục Chính điện và Tiền điện Đình Thới An.
Đình Thới An tọa lạc trên diện tích khoảng 3.000m2 theo hình chữ Nhất (一) mặt quay về hướng Đông. Trước đình là Võ ca được xây dựng vào thập niên 60. Giữa Võ ca và Chính điện là miếu thờ Sơn Quân (bên phải), miếu thờ Ngũ hành (bên trái) mới xây dựng lại năm 1998. Đình Thới An nổi bật giữa cảnh làng quê bình dị, yên ả bởi quy mô to lớn với một hệ thống mái ngói đặc sắc. Mái đình chia ra làm 3 phần, mỗi phần gồm 3 tầng mái chồng lên nhau, riêng phần giữa lại chia làm 3 cụm mái, 2 cụm 2 bên chỉ có 2 tầng mái. Trên các bờ nóc là những cặp lưỡng long chầu thái cực, đầu bờ chảy trang trí tượng gốm sứ nhiều màu: cá hóa long, kỳ lân… khoảng cách giữa các tầng mái được các nghệ nhân vẽ hoa lá, chim muông…
Toàn bộ kết cấu mái được nâng đỡ bởi hệ thống vì kèo cánh ác và 6 hàng cột to, mỗi hàng 10 cây tạo cho Đình thêm vững chắc. Các mảng đề tài trang trí trong và ngoài ngôi đình rất đa dạng, phong phú với những đường nét, màu sắc tinh tế, các hình khối bố cục hài hòa, cân xứng giữa các mảng trong không gian kiến trúc. Tất cả tạo nên một khung cảnh sinh động nhưng vẫn giữ được nét tôn nghiêm của ngôi đình.
Cũng như nhiều ngôi đình khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đình Thới An thờ “Bổn Cảnh Thành Hoàng”; những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xã, mở mang cơ nghiệp làm cho làng xóm ngày càng trù phú, phát đạt; những vị tổ sư dạy nghề cho dân chúng và hương chức trong làng; các vị anh hùng dân tộc…
Hàng năm, Đình Thới An tổ chức 2 kỳ lễ cúng chính: Đại lễ Kỳ yên Thượng điền được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 4 âm lịch; Lễ Hạ điền được tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 12 âm lịch nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư ấm no hạnh phúc, tưởng nhớ những bậc anh hùng, liệt sĩ, những người có công với nhân dân, với đất nước… Lễ Kỳ yên tức là lễ cầu an, lễ vật được dâng lên Thần để tỏ lòng tôn kính và cầu thần linh phò trợ cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận. Ngoài 2 kỳ lễ chính, vào các ngày rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười ở Đình đều có cúng: chè, xôi, bánh, trái …
Ngoài những giá trị văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, trong giai đoạn chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đình Thới An còn là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh lâm thời huyện Ô Môn.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngày nay ngôi đình vẫn tồn tại với đường nét cổ kính, mang đậm dấu ấn của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Với những giá trị lịch sử đó, ngày 15/11/2004, Đình Thới An đã được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 3446/QĐ-CT.UB xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.
Nguyễn Thị Diễm