Chùa Pôthi Somrôn là một trong 30 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng của thành phố Cần Thơ, hiện tọa lạc tại khu vực IV, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Chùa được xây dựng trên khoảng đất rộng 8.600m2.
Theo tiếng Khmer, chữ “Pôthi” đọc trại từ chữ Phạn “BODHI” phiên âm ra tiếng Việt là Bồ đề, có nghĩa giác ngộ. “Somrôn” là tên một loài thảo mộc, một vị thuốc Nam chữa trị được nhiều bệnh thường gặp ở miền nhiệt đới nóng ẩm, mọc rất nhiều trong khuôn viên nhà chùa. Pôthi Somrôn là biểu hiện ý thức tôn giáo, chấp nhận ý tưởng siêu thoát của Đức Phật nhưng vẫn hướng về hạnh phúc bình dị của người nông dân Khmer trong quan hệ cộng đồng dân tộc, gia đình và phum sóc.
Chùa Pôthi Somrôn được xây dựng năm 1735 bằng cây lá. Đến năm 1856, toàn bộ chính điện, sala, trai đường được thay thế bằng các loại gỗ quí như: căm xe, cà chất, thao lao và lợp ngói vảy cá. Qua gần 100 năm tồn tại trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm, một số hạng mục của chính điện đã xuống cấp, thể theo nguyện vọng của nhân dân trong vùng, vào tháng 6 năm 1950 chính điện được xây dựng mới ngay trên nền đất cũ bằng vật liệu kiên cố hơn. Năm 2003, chính điện được xây dựng lại lần thứ 3 và tồn tại đến ngày nay. Chùa Pôthi Somrôn đã qua 13 đời Hòa thượng, Thượng tọa kế nhiệm trụ trì. Vị trụ trì hiện tại của Chùa là Hòa thượng Đào Như.
Bên trong Chùa Pôthi Somrôn có các hạng mục: chính điện, sala, tháp cốt, trai đường, tăng xá…
Chính điện là ngôi nhà trung tâm trong quần thể kiến trúc của Chùa, được xây dựng theo hướng Đông, vì người Khmer quan niệm Phật tuy ở Tây phương cực lạc, nhưng luôn hướng về Đông cứu độ chúng sinh. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer. Mái chính điện có ba cấp chồng lên nhau, trang trí tượng rồng chạy dọc theo bờ mái với đuôi vươn thẳng lên trời cao. Từ cột, rào, khuôn cửa, nóc mái, vách tường đều được chạm khắc hoa văn hình kỷ hà và lục bình tỉ mỉ. Chính điện có hành lang rộng bốn phía, được cho là lối bố trí nhìn ra bốn hướng vũ trụ theo quan niệm của Ấn Ðộ giáo. Cũng như các chùa Khmer thuộc hệ phái Nam tông (Theravàda), Chùa Pôthi Somrôn chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni. Bên trong chính điện, bệ thờ được đặt ở giữa hai gian trong cùng, chính giữa là tượng Phật Thích ca cao to ngồi thiền ở tư thế Kiết dà và rất nhiều tượng nhỏ xung quanh trong nhiều tư thế khác nhau: tượng Phật cứu vớt chúng sinh, tượng Phật nhập Niết bàn, tượng Phật đi khất thực, tượng Phật ngồi trên rắn thần Naga… Trên các vách tường là các tác phẩm hội họa và hoa văn trang trí với các đề tài và chủ đề lấy từ sự tích Phật giáo: cảnh Phật Thích Ca sơ sinh, cảnh Phật xuất gia đi tu, Phật ngồi thuyết pháp…
Các chùa Khmer đều có tháp cốt nhưng có lẽ hiếm có chùa nào giữ gìn được ngôi tháp hơn 200 năm tuổi như ở chùa Pôthi Somrôn. Chùa Pôthi Somrôn có 5 tháp cốt, trong đó, tháp cốt cổ nhất ở bên phải trước cửa chính điện, được xây dựng bằng ô dước, đá ong và gạch thẻ có niên đại từ thế kỷ XVIII.
Vào bên trong chùa, khách viếng thăm sẽ được chiêm ngưỡng nhiều di vật. Đó là những cánh én bằng gỗ chạm trổ hình ảnh mô phỏng các câu chuyện về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, những bộ kinh Satra (sách lá) và nhiều tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng gỗ.
Vẻ đẹp của ngôi chùa càng được tôn lên nhờ cây sala - còn gọi là cây vô ưu, trồng ở một góc sân chùa luôn nở những đóa hoa thanh nhã và tỏa hương thơm ngát.
Chùa còn là trung tâm diễn ra các lễ hội của đồng bào Khmer như: Lễ Phật Đản (15/4 Âl), Lễ Nhập hạ (15/6 Âl), Lễ Xuất hạ (14 và 15/9 Âl), Lễ Dâng y (Phật tử dâng áo cà sa cho các vị sư), Lễ hội mừng năm mới Chôl Chnăm Thmây (Tết cổ truyền của dân tộc Khmer) diễn ra vào ngày 13,14,15 tháng 4, Lễ cúng ông bà SenĐolta (29/8 – 01/9 Âl), và đặc biệt Lễ Ooc-Om-Bok (Lễ Cúng trăng, diễn ra vào ngày 15/10 Âl).
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Pôthi Somrôn đã đùm bọc và che chở nhiều thanh niên trốn quân dịch. Nhiều nhà sư, Đại đức của chùa khi hoàn tục trở thành đảng viên, đoàn viên. Chùa Pôthi Somrôn còn là nơi tu tập của Đại đức Lý Kiều, bị địch kết án tử hình năm 1961 do hoạt động cách mạng. Sau này, các vị Hòa thượng xuất thân từ chùa đều hoạt động trong Ban Chấp hành Hội đoàn kết sư sãi yêu nước của địa phương. Ngày 27/3/2006, Chùa Pôthi Somrôn đã được UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 985/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.
Chùa Pôthi Somrôn không chỉ là “ngôi nhà” Phật pháp của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương mà dần trở nên quen thuộc với người dân Cần Thơ. Ở đây diễn ra nhiều sự kiện văn hóa lớn, khởi nguồn nhiều hoạt động xã hội; góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của người Tây Đô.
Ngô Thị Yến Ly