DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA  CHÙA CẢM THIÊN ĐẠI ĐẾ

Ngày đăng: 23/02/2023 - Chuyên mục: Ô Môn
Ảnh minh họa

Chùa Cảm Thiên Đại Đế là một trong những ngôi chùa được người Hoa gốc Triều Châu xây dựng trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX. Hiện nay, Chùa Cảm Thiên Đại Đế tọa lạc tại khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Chùa được xây dựng theo hình chữ Quốc với các dãy nhà khép kín vuông góc với nhau, bao gồm các hạng mục: tiền điện, trung điện, chính điện và nhà khói. Cách biệt giữa các dãy nhà là sân thiên tỉnh hay còn gọi là giếng trời. Từ khi được xây dựng đến nay tuy đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng Chùa vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu với những họa tiết trang trí, chạm khắc tinh xảo mang giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ cao. 
Mái Chùa lợp ngói âm dương với các gờ bó mái hình lá tráng men xanh thẫm. Trên bờ nóc trang trí các phù điêu bằng gốm sứ như: lưỡng long tranh châu, chim phụng, cá chép hóa long. Cách trang trí này không những tượng trưng cho sức mạnh, sự hòa hợp của âm dương, sự an lành và sung túc, mà còn góp phần tăng thêm vẻ tôn nghiêm cổ kính của ngôi chùa, đồng thời phản ánh giá trị nhân văn, trí tuệ, ước vọng của con người từ xưa đến nay.
So với những ngôi chùa Hoa ở thành phố Cần Thơ, Chùa Cảm Thiên Đại Đế có hệ thống vì kèo được trang trí khá độc đáo. Ngoài tác dụng nâng đỡ hệ thống mái, trên những cây kèo ngang, kèo đứng qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa, với những đường nét chạm chìm, chạm nổi, tinh tế, tỉ mỉ, hình ảnh cuốn thư, bài thơ chữ Hán, mây nước, hoa lá, chim muông… đã trở thành những tác phẩm điêu khắc có giá trị mà không phải ngôi chùa Hoa nào cũng có được. 
Đối tượng thờ chính của Chùa Cảm Thiên Đại Đế là Trịnh Ân. Tương truyền ông là phó quan khai quốc công thần, văn võ song toàn trong triều vua nhà Tống ở Trung Quốc, được vua phong tước vị Cảm Thiên Đại Đế và được dân chúng sùng kính, thờ cúng cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, Chùa còn thờ Tiên Sư, Long Thần, Thần Hổ, Ông Thiên và Thổ Thần.
Hàng năm tại Chùa Cảm Thiên Đại Đế tổ chức 6 kỳ cúng lễ theo các ngày âm lịch như: Lễ rước Ông vào ngày 4 tháng Giêng; Tết Nguyên Tiêu vào ngày rằm tháng Giêng; Lễ vía Ông vào ngày 29 tháng Ba; Lễ thí thực vào ngày 16 tháng Bảy; Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng Tám  và Lễ đưa Ông vào ngày 24 tháng Chạp. Trong các lễ cúng nêu trên, lễ vía Ông được tổ chức quy mô nhất, thu hút đông đảo bà con gần xa về tham dự, dâng hương cầu xin Ông phù hộ, chở che và giúp đỡ họ trong cuộc sống. 
Chùa Cảm Thiên Đại Đế là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu còn khá nguyên vẹn của người Hoa Triều Châu ở phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Ngoài chức năng là hội quán, Chùa còn được xem như một trung tâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của người Hoa; đây còn là nơi họp mặt và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa sinh sống trên mảnh đất này. Từ khi được xây dựng cho đến nay, Chùa Cảm Thiên Đại Đế luôn được các thế hệ người Hoa nối tiếp nhau gìn giữ, tu bổ ngày càng khang trang, bền vững nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của nhân dân và du khách gần xa; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, địa phương.                                                               
Với những giá trị trên, ngày 05 tháng 02 năm 2016 UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 337/QĐ-UBND xếp hạng Chùa Cảm Thiên Đại Đế là Di tích lịch sử - văn hóa.

Lê Thị Kim Thúy