Thuở xưa, mọi sinh hoạt của người dân Đồng bằng sông Cửu Long đều gắn liền với sông nước, khách thương hồ lấy nơi hợp lưu của các ngã sông để gặp gỡ, giao lưu buôn bán; chợ búa, thị tứ được hình thành. Chợ Cần Thơ không nằm ngoài quy luật đó. Trải qua quá trình tồn tại gần 100 năm, nhà lồng chợ bên dòng sông Hậu đã trở thành biểu tượng của thành phố Cần Thơ. Đó không chỉ thể hiện giá trị lịch sử, văn hóa của cư dân vùng sông nước mà còn là linh hồn của đô thị, một kiến trúc minh chứng cho quá trình phát triển vùng đất này.
Dưới triều vua Minh Mạng, năm 1839, về mặt thương mại Cần Thơ có các chợ tự phát buôn bán khá nhộn nhịp, “… với chợ Sưu gần bến sông Cần Thơ, chợ Tân An liền hướng bến sông Bình Thủy…” . Sau khi chiếm Nam kỳ lục tỉnh và thiết lập tỉnh Cần Thơ, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cùng với việc xây dựng các trụ sở hành chính như Tòa bố, Ngân hàng,… quy hoạch ngã ba sông Bassac (sông Hậu) làm khu nghỉ dưỡng, xây công viên, cầu tàu lục tỉnh … , thực dân Pháp cũng cho cất Nhà lồng chợ gần với các công trình trên. Đây là Chợ trung tâm ở Cần Thơ, một trong các ngôi chợ có quy mô lớn nhất lúc bấy giờ ở miền Tây làm điểm giao thương hàng hóa.
Từ khi chính quyền Pháp xây dựng Nhà lồng chợ Cần Thơ, những dãy phố thương mại nơi đây lần lượt mọc lên ngày càng đông đúc, nền kinh tế của Cần Thơ và các tỉnh lân cận sung túc hẳn lên, Chợ Cần Thơ nhanh chóng trở thành đầu mối giao thông, thương mại bậc nhất của Nam Kỳ lục tỉnh, nên lúc bấy giờ có tên là chợ Lục tỉnh. Ngoài ra, do đặc điểm chợ gần công viên trước kia trồng rất nhiều cây dương nên còn gọi là chợ Hàng Dương… Nhưng tên Chợ Cần Thơ từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Cần Thơ, nhất là các cụ già hay những người đi xa lâu ngày trở về thăm quê hương xứ sở.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, vị trí Nhà lồng chợ Cần Thơ vẫn không thay đổi, mặt chính của Chợ tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, phía trước đối diện với công viên và các dãy phố thương mại, mặt sau hướng ra sông Hậu, theo thế “tiền lộ, hậu sông” nên rất thuận lợi cho dịch vụ và thương mại. Nhà lồng Chợ Cần Thơ có diện tích 1.723m2 , thiết kế theo hình chữ T, kết cấu chủ yếu bằng bê tông, cốt thép, mái lợp ngói, với phong cách kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại, tạo không gian chợ cao ráo và vững chãi. Mặt chính của Chợ có ba tháp, giữa là tháp lớn nhất, đối xứng có hai tháp nhỏ hơn trang trí hoa văn và lam gió tạo sự thông thoáng. Riêng đỉnh tháp trang trí hình hỏa châu và long vân cách điệu, mặt tháp có gắn đồng hồ nên người dân gọi là tháp đồng hồ. Về quy mô mặc dù không lớn như chợ Đông Ba ở Huế, chợ Bình Tây và chợ Bến Thành ở thành phố Hồ Chí Minh do hãng thầu Pháp Brossard et Mupin xây dựng đầu thế kỷ XX, nhưng Chợ Cần Thơ có kiến trúc gọn, đẹp, tinh tế theo lối không gian mở, bốn bề lộng gió, kết hợp hài hòa giữa hai phong cách kiến trúc Đông - Tây từ chất liệu, màu sắc đến đường nét, chính những đặc điểm này làm tăng thêm vẻ đẹp của chợ và mang nét đặc trưng văn hóa của vùng sông nước. Đặc biệt, là sự kết hợp hài hòa không gian kiến trúc giữa công trình chợ, các dãy phố, cùng với công viên cây xanh ở phía trước đến nay vẫn còn giữ được nguyên trạng, có lẽ vì vậy mà Chợ Cần Thơ một thời từng được mệnh danh là ngôi chợ đẹp ở Nam kỳ lục tỉnh.
Chợ Cần Thơ hoạt động liên tục hơn 100 năm qua, đã làm tròn vai trò sứ mệnh lịch sử của chợ đầu mối thương mại ở Nam kỳ lục tỉnh từ đầu thế kỷ XX. Đến khi Cần Thơ được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương , chợ Cần Thơ vẫn tiếp tục phát huy vai trò của chợ trung tâm đầu mối, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ cho Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Do qua thời gian dài sử dụng, Nhà lồng chợ Cần Thơ xuống cấp và có nhiều lần sửa chữa nhỏ đã làm thay đổi một số chi tiết kiến trúc ban đầu, nhưng nhìn chung hình dáng kiến trúc vẫn không thay đổi. Nhằm bảo tồn nguyên trạng kiến trúc cũ của chợ Cần Thơ, tiếp tục giữ gìn kế thừa và phát huy ưu điểm của chợ truyền thống đi đôi với phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, năm 2005 Nhà lồng chợ Cần Thơ được Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Công ty Thương nghiệp tổng hợp thành phố Cần Thơ (CTC) đầu tư tu bổ, phục hồi nguyên trạng kiến trúc ban đầu, đồng thời khai thác theo hướng văn hóa, thương mại, dịch vụ du lịch. Công trình được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2005).
Hiện nay, trong Nhà lồng chợ Cần Thơ có khoảng 80 kiosque bày bán các sản phẩm như: quà lưu niệm, hàng mỹ nghệ truyền thống, may mặc và các đặc sản đặc trưng ở Nam bộ... Ngoài ra, trong chợ còn có nhà hàng Sao Hôm phục vụ các món ăn Âu, Á, sau khi tham quan mua sắm du khách có thể nghỉ chân để thưởng thức và ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông Hậu hiền hòa.
Từ năm 2009, thành phố Cần Thơ triển khai các hoạt động văn hóa gắn với phát triển du lịch tại bến Ninh Kiều, dọc theo tuyến đường Hai Bà Trưng và các khu phố thương mại gần Nhà lồng chợ Cần Thơ có các hoạt động nhộn nhịp về đêm như: ẩm thực đường phố, “Chợ đêm Tây Đô”, biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật… , càng làm tăng thêm cảnh nhộn nhịp, năng động của Nhà lồng chợ, tạo được sự thu hút mạnh mẽ đối với các tour du lịch trong và ngoài nước khi đến tham quan Cần Thơ.
Với Nhà lồng chợ Cần Thơ, thành phố có thêm một điểm tham quan du lịch, bởi ngoài vẻ đẹp về không gian kiến trúc, nơi đây còn là một bức tranh tổng hợp phác họa chân dung cuộc sống, sinh hoạt của cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua hơn 100 năm, Nhà lồng chợ Cần Thơ vẫn giữ nguyên giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, gắn liền với sự hình thành và phát triển của Cần Thơ và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với những giá trị đó, năm 2010 sau thời gian phát động cuộc thi thiết kế biểu tượng Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ chọn và quyết định công bố thiết kế trong đó có hình tượng Nhà lồng Chợ cách điệu nằm bên dòng sông Cửu Long là biểu tượng của Cần Thơ. Đồng thời, năm 2012 Nhà lồng chợ Cần Thơ được UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số: 846/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 4 năm 2012 xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.
Trong tương lai, hy vọng Nhà lồng chợ Cần Thơ sẽ là địa điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực, khôi phục lại cảnh quan trên bến, dưới thuyền như một nét văn hoá của vùng sông nước. Đây cũng chính là những giải pháp tích cực để phát huy di tích, đồng thời cũng nhằm mục đích tiếp tục gìn giữ, kế thừa và phát huy ưu điểm chợ truyền thống song song với quá trình phát triển chợ thương mại, dịch vụ du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Nguyễn Thị Ngọc Hân