DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT ĐÌNH THỚI BÌNH

Ngày đăng: 23/02/2023 - Chuyên mục: Ninh Kiều
Ảnh minh họa

Đình Thới Bình được hình thành khoảng những năm đầu thế kỷ XIX, trải qua thời gian tồn tại, đến nay Đình vẫn bảo lưu được những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Hiện nay, Đình tọa lạc tại số 21 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Đình được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 1.000 mét vuông, bao gồm các hạng mục: Cổng Tam quan, Miếu Vạn Ban Ngũ Hành, Miếu Bà Chúa Xứ, Miếu Thần Nông, Võ ca, Võ quy, Chính điện và Hậu điện.
Tổng thể kiến trúc Đình Thới Bình được bố cục theo hình chữ Nhất (一), gồm 3 nhà vuông liền kề nối tiếp nhau trên một trục thẳng với đặc điểm nổi bật là mỗi nhà có bốn cột chính “Tứ trụ” được nghệ nhân dân gian vẽ hình Rồng trong thế chầu, cuộn mình trong những đám mây xanh, trông rất mềm mại và uyển chuyển (thường được gọi là Long Trụ), các chân cột được kê bằng tán đá xanh. Từ bốn cột chính mở rộng không gian ra bốn hướng bằng hệ thống cột con bao quanh, hệ kèo được gác (chồng) lên nhau bằng liên kết mộng, nối vào nhau bằng các cây trính tất cả tạo thành hệ khung sườn “kẻ chuyền – đâm trính – cột kê – tường gạch” hay còn gọi theo kiểu xếp đọi làm cho ngôi đình cao, thoáng mát. 
Mái Đình theo kiểu hình chữ bát hay còn gọi kiểu mái bát dần, gồm 3 tầng, lợp ngói âm dương; diềm mái dạng lá đề và dạng tròn đúc nổi hình bông hoa; trên nóc trang trí “Lưỡng long triều nguyệt”, “Lưỡng long triều nhật”, “Cá hóa long chầu nguyệt”.
Bờ nóc mái Võ ca, Võ quy, Chính điện được trang trí các bức tranh gốm men xanh ngọc, hoa văn đắp nổi đề tài “Sen le – Mai điểu”, “Lân hý cầu– Mai điểu – Tùng hạc – Mẫu đơn” và “Long ẩn vân”. Hai bên gờ bó mái thứ nhất là tượng Rồng theo môtíp “Long bàn” bằng gốm men xanh thể hiện ước nguyện cầu mong mưa thuận gió hòa, đất nước thanh bình, dân cư an lạc. Đây có thể nói là điểm nổi bật và khác biệt nhất của Đình Thới Bình so với các đình làng ở thành phố Cần Thơ.  
Hệ thống hoành phi, liễn đối tại Đình Thới Bình được chạm chìm, chạm nổi, sơn nhũ vàng. Đây là những tác phẩm nghệ thuật thư pháp rất đặc sắc, với nội dung, ý nghĩa cầu phúc những điều an lành, tốt đẹp đến với dân làng. Hệ thống khánh thờ cũng được chạm khắc tinh tế và sắc xảo, trang trí hình rồng chầu, bố cục hài hòa theo đề tài: “Tứ linh” (Long - Lân - Quy - Phụng), “Tứ quý” (Mai - Sen - Cúc - Trúc) cùng hoa lá... Đây là mảng đề tài phong phú, thể hiện sinh động tư duy tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” của người Việt. Hiện nay, Đình Thới Bình còn lưu giữ được các hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa trên dưới 100 năm tuổi, đặc biệt, là bản sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng do vua Tự Đức phong tặng vào năm 1852, bằng giấy dó màu vàng, nền có hoa văn nhũ bạc hình “Long ẩn vân” rất tinh tế.
Vị thần chính được thờ tại Đình Thới Bình là “Thành Hoàng Bổn cảnh”. Ngoài ra, Đình còn thờ các bậc Tiền hiền, Hậu Hiền, Thần Tài, Ngũ Hành Nương Nương, Bà Chúa Xứ, Quan Công.
Hàng năm tại Đình Thới Bình diễn ra hai kỳ lễ hội chính: Lễ Kỳ yên Hạ điền (ngày 10, 11 và 12/4 âm lịch) và Lễ Kỳ yên Thượng điền (ngày 14, 15 và 16/11 âm lịch), với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư ấm no hạnh phúc, đồng thời cũng là dịp để tưởng nhớ những bậc anh hùng, liệt sĩ, những người có công với nhân dân, với đất nước. 
Đình Thới Bình là nơi bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ. Những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa như trên là nguồn tư liệu rất quý để làm cơ sở góp phần nghiên cứu về đời sống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Cần Thơ vào những năm thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX.
Với những giá trị đó, ngày 30 tháng 8 năm 2018, Đình Thới Bình đã được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 2267/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Nguyễn Thị Diễm