Di tích tọa lạc tại số 126 đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Đền thờ Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác được một số Đông y, dược sĩ ở Cần Thơ cùng với nhân dân đóng góp xây dựng lần đầu tiên vào năm 1967 bằng tre lá. Trải qua thời gian, ngôi đền bị xuống cấp. Ngày 25/2/2012 Đền được xây dựng lại với kiến trúc như hiện nay.
Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác (1720 – 1791), quê ở trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hưng Yên). Ông không chỉ là một thầy thuốc giỏi, có tài, có đức mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thế kỷ XVIII, được tôn vinh là bậc Y Tổ của dân tộc. Tác phẩm giá trị nhất của ông để lại hiện nay là bộ sách “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh”, gồm 28 tập, 66 quyển.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đền thờ Hải Thượng Lãn Ông ở Cần Thơ là cơ sở hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ, đặc biệt nơi đây là địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của khu phố An Hòa (nay là phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ). Ngôi đền không chỉ là nơi thờ phụng Đức Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông mà còn là phòng khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương; các thầy thuốc vừa điều trị cho người bệnh, vừa tuyên truyền giác ngộ ý thức cách mạng cho quần chúng nhân dân.
Ngày 09/01/2013, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-UBND xếp hạng Địa điểm thành lập Chi bộ An Hòa tại Đền thờ Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác là Di tích lịch sử cấp thành phố.
Hàng năm, vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch, tại Di tích, Hội Đông y thành phố Cần Thơ và UBND phường An Hòa phối hợp tổ chức Lễ giỗ Đức Y Tổ Hải Thượng Lãn Ông rất trang trọng. Ngoài Ban tổ chức, thành phần tham dự chủ yếu là những người đã từng tham gia hoạt động cách mạng thuộc Chi bộ An Hòa, Hội Đông y và đông đảo cán bộ, thầy thuốc, sinh viên ngành Y Dược đang công tác, học tập tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận.
Lê Thị Thanh Thùy