Di tích Căn cứ Vườn Mận thuộc khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khi Đội Biệt động thành phố được thành lập năm 1965, đơn vị đã chọn khu vườn mận của nhà ông Lê Văn Tiểu (thường gọi ông Hai Tiểu) để xây dựng căn cứ bám trụ hoạt động trong lòng địch, nên Căn cứ thường gọi là Căn cứ Vườn Mận. Vườn mận Hồng Đào nhà ông Hai Tiểu rộng 6.865m2, cách thị trấn Cái Răng 2km, cách đồn bà Chủ Kiểu và đồn Hàng Bàng - Cầu Đá của địch non 400m. Có thể thấy, Căn cứ Vườn Mận nằm trong vòng vây của hệ thống đồn bót địch nên còn có tên gọi khác là Căn cứ lõm Vườn Mận. Đặc biệt nơi đây được Khu ủy Khu 9, Tỉnh ủy Cần Thơ chọn làm Căn cứ Ban Chỉ huy Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ.
Trong khu vườn có nhiều hầm bí mật cá nhân, dọc theo bìa vườn là những công sự chiến đấu (còn gọi là hầm chống bom, pháo). Trung tâm Căn cứ là ngôi nhà lá ba gian của gia đình ông Hai Tiểu, căn nhà này ông đã dành trọn vẹn cho Ban Chỉ huy.
Công việc chỉ đạo chuẩn bị cho Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta được Ban chỉ đạo khởi nghĩa ở Cần Thơ tiến hành một cách khẩn trương và bí mật tại Căn cứ Vườn Mận. Hàng ngày cán bộ nội thành ra Căn cứ báo cáo với lãnh đạo và nhận chỉ thị hành động. Từ nơi đây, các lực lượng vũ trang của ta đã đồng loạt xuất kích tấn công vào nội thành Cần Thơ. Qua 3 đợt tiến công vào thị xã, quân dân Cần Thơ đã loại ra khỏi vòng chiến đấu hơn 2 vạn quân địch, phá hủy hàng trăm máy bay, đánh chìm hàng chục tàu chiến, giải phóng hoàn toàn 4 xã với hơn 10.000 dân. Nhưng to lớn hơn, Cần Thơ đã cùng toàn miền Nam làm phá sản "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả nước, buộc chính phủ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom ở miền Bắc và ngồi vào bàn Hội nghị tại Paris để bàn về việc chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, tạo tiền đề thắng lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau Tết Mậu Thân 1968, mặc dù địch phát hiện và tập trung đánh phá quyết liệt nhưng Căn cứ vẫn tồn tại vững mạnh bởi người dân nơi đây luôn hết lòng cưu mang, che chở cán bộ, bộ đội. Một trong những gia đình nông dân chí cốt, đã cống hiến hết tài sản cho cách mạng là gia đình ông Hai Tiểu. Ông và người con trai đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh ông Hai, người chăm lo xây dựng Căn cứ, tiếp tế cho cách mạng còn có vợ ông là bà Tạ Thị Phi, một phụ nữ đảm đang, dũng cảm. Bà là người canh gác bảo vệ cơ quan chỉ huy mặt trận và đã anh dũng hy sinh trong lúc báo tin địch đi càn cho cán bộ ta kịp thời ẩn nấp. Sau ngày giải phóng, Bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt sĩ - Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Căn cứ Vườn Mận là điểm son nằm trong tuyến lộ Vòng Cung của thành phố Cần Thơ – Một chiến trường ác liệt nhất ở khu Tây Nam Bộ. Nơi đây là một minh chứng hùng hồn cho niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với cách mạng, đối với Đảng.
Ngày 15/11/2004 UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3447/QĐ-CT.UB xếp hạng Căn cứ Ban Chỉ huy Tổng tấn công và Nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Cần Thơ (Căn cứ Vườn Mận) là Di tích lịch sử - văn hóa.
Năm 2011, Căn cứ Vườn Mận được quận Bình Thủy khởi công phục dựng lại và đưa vào hoạt động phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, học tập với các hạng mục nhà đa năng, các hầm công sự, nhà Mẹ Việt Nam Anh Hùng Tạ Thị Phi…
Hiện nay, Di tích là địa điểm tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống của các tầng lớp nhân dân, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào các dịp lễ, kỷ niệm của dân tộc và địa phương.
Đỗ Linh Chi