Chùa Ông là tên dân gian dùng để chỉ cơ sở tín ngưỡng của người Hoa thờ Quan Thánh Đế (Quan Công). Vốn trước đây là hội quán do nhóm người Hoa đến từ hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh (tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc) cùng đứng ra thành lập để sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng nên Chùa Ông còn có tên: Quảng Triệu Hội Quán (廣 肇 會 館).
Nằm trong khu đô thị trung tâm của Cần Thơ, Chùa Ông tọa lạc trên sở đất rộng 532m2 mang nét kiến trúc đặc trưng của người Hoa, được khởi công xây dựng vào năm 1894 và hoàn thành năm 1896. Phần lớn vật liệu cấu thành các chi tiết kiến trúc được mang từ Trung Quốc sang. Toàn bộ kiến trúc được bố cục theo hình chữ 國 (Quốc) với các dãy nhà khép kín, vuông góc nhau, ở giữa chừa một khoảng không gian trống gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời). Mái lợp ngói âm dương với các gờ bó mái bằng gốm tráng men xanh thẫm. Trên nóc chùa trang trí gốm sứ đủ màu với mô típ lưỡng long tranh châu, cá hóa long, chim phụng, các tòa thành, hình nhân… thể hiện khung cảnh sinh hoạt lễ hội dân gian của người Hoa, đặc biệt ở hai đầu đao còn có 2 tượng người cầm mặt trời, mặt trăng tượng trưng cho Nhật – Nguyệt, âm – dương hòa hợp.
Trước khi vào chùa, du khách bước lên 5 bậc đá xanh và qua cửa gỗ truyền thống có vẽ hình 2 vị thần giữ cửa. Bên trong chia làm 3 phần: Tiền điện là nơi thờ Phúc Đức Chính thần, Mã Tiền Tướng quân. Ngăn cách giữaTiền điện và Chính điện là bức bình phong gỗ có tác dụng như một lớp cửa để hạn chế khách đi thẳng từ ngoài vào, nhằm tạo sự tôn nghiêm. Sân thiên tỉnh thấp hơn hạng mục khác trong khối nhà chính, phía trên có mái che di động để đóng, mở khi cần thiết, ngoài chức năng điều chỉnh ánh sáng thiên nhiên còn có tác dụng xử lý khói nhang rất hiệu quả. Phía trên gian Trung điện treo thuyền bát nhã hình rồng bằng gỗ bên trong có vô số hình nhân chạm khắc rất tinh xảo. Đây cũng là những nét đặc trưng phổ biến trong các công trình tín ngưỡng của người Hoa.
Chính điện là gian quan trọng nhất, nơi đây có đặt dãy bàn thờ khung gỗ mặt kính, bên trong có các bức phù điêu chạm trổ sơn nhũ vàng, nội dung các bức chạm thể hiện điển tích trong truyện Tam Quốc, các sinh hoạt đời thường như gánh nước, đốn củi và xen lẫn các loài thủy sản như tôm, cua, cá… Đối tượng thờ chính ở đây là Quan Thánh đế quân - một vị thần tượng trưng cho nhân nghĩa, lễ, trí, tín đi vào tiềm thức của bà con người Hoa được đặt trang trọng ở giữa, ngồi trên ngai, mặt đỏ, râu 5 chòm đen thả dài, khoác áo bào xanh; thờ phối tự còn có Thiên Hậu Thánh Mẫu, Tài Bạch Tinh Quân, Đổng Vĩnh Trạng Nguyên, bên trái chính điện là gian thờ Phật bà Quan Âm. Các tượng được chế tác theo nghệ thuật tượng tròn bằng nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, thạch cao, gốm...
Nổi bật nhất trong nghệ thuật điêu khắc ở Chùa Ông là những phù điêu. Phù điêu chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong trang trí. Phù điêu hiện diện khắp nơi từ các bao lam, hoành phi, liễn đối, xà ngang… bằng nghệ thuật chạm nổi với nội dung vô cùng phong phú được rút ra từ các huyền thoại, lịch sử Trung Quốc, hoặc kỹ thuật chạm chìm những đề tài mai, lan, cúc, trúc, rồng, phụng, cá hóa long, bông lúa… Ngoài nghệ thuật điêu khắc với các đường nét chạm trổ tinh tế, giữ được sắc thái vừa trang nghiêm vừa tươi mát, các nghệ nhân còn thể hiện được tài năng của mình ở nghệ thuật thư pháp: các kiểu chữ “Triện”, “Thảo” chạm khắc trên hoành phi, liễn đối, lư, chuông đồng … đã nâng cao giá trị thẩm mỹ và nội dung tín ngưỡng của di tích. Bên cạnh đó, toàn bộ khung sườn chịu lực của công trình đều bằng danh mộc quý hiếm với hệ thống vì kèo khá phức tạp, vòm mái được chống đỡ bởi 6 hàng cột vuông, sơn đỏ, chân đế bằng đá tảng nguyên khối trông rất vững chãi, xung quanh xây tường bằng gạch thẻ. Riêng gạch ở trụ cổng được sản xuất thời Pháp thuộc trên có khắc hàng chữ: “A-Julien α Ce…SocTrang”.
Hàng ngày Chùa Ông đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, nhất là vào các ngày Rằm, ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phúc Đức Chính thần, Tài Bạch Tinh quân... các dịp lễ Tết, đặc biệt là lễ vía Quan Thánh Đế Quân (24/6 âm lịch). Mặc dù lễ vía chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút, không rộn ràng tiếng trống kèn, nhưng rất thiêng liêng, trang trọng mang đậm nét văn hóa dân gian. Lễ vật gồm heo quay và vịt quay, hoa quả, nhang, đèn và bộ áo, mão hàng mã của Quan Thánh. Khách đến tấp nập không chỉ có bà con người Hoa mà có cả người Việt cùng tham dự để thỉnh cầu tài, lộc, an khang.
Ngoài những lễ chính nêu trên, tại Chùa Ông còn diễn ra sinh hoạt truyền thống như khai quang điểm nhãn, múa lân, sư, rồng và hội đấu giá đèn lồng. Lễ khai quang điểm nhãn thường diễn ra vào dịp cuối năm, hoặc trước khi bắt đầu lễ hội múa lân, sư, rồng tại chùa. Theo truyền thuyết, những linh vật đều có hồn thể hiện ở đôi mắt. Vì vậy, trước khi lân, sư, rồng xuất hành biểu diễn người ta chọn ngày tốt đến chùa làm lễ “Khai quang điểm nhãn”, với mục đích mong Ông phù hộ cho mắt lân có thần, sáng tinh anh, nhanh nhẹn, dũng mãnh trong từng động tác múa; Đối với lễ hội đấu đèn, Chùa Ông chỉ tổ chức vào dịp khánh thành, kỷ niệm thành lập Hội quán... Không khí ngày hội rất rộn ràng vui tươi, không chỉ có người Hoa ở Cần Thơ mà còn có các Hội đoàn bạn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh tham dự. Mục đích việc tổ chức đấu đèn tại Chùa Ông mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vì số tiền đấu được trong lễ hội chủ yếu dùng vào việc đóng góp xây trường Hoa ngữ, nghĩa trang, ủng hộ trường dạy trẻ khuyết tật, mồ côi và trùng tu cho ngôi chùa... Đây là hoạt động rất tích cực nhiều năm qua được Ban Quản trị phát huy mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.
Chùa Ông có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Hoa ở Cần Thơ. Ngoài những giá trị về mỹ thuật, kiến trúc và là nơi giao lưu sinh hoạt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nơi đây còn là cơ sở Hoa vận vững chắc, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Với những giá trị đó, ngày 21 tháng 6 năm 1993, Chùa Ông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
Nguyễn Thị Ngọc Hân